Quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng

Trong quá trình xác lập và thực hiện giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thể tránh khỏi phát sinh những tranh chấp. Sử dụng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân. Hãy theo dõi bài viết dưới đây, Long Phan PMT sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích về vấn đề này.

Sự thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

Sự thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

>>> Xem thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Sự thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Khi không thương lượng, hòa giải được hoặc rơi vào trường hợp không được thương lượng, hòa giải thì bắt buộc phải giải quyết tranh chấp bởi cơ quan tài phán (Trọng tài hoặc Tòa án). Đối với hợp đồng tiêu dùng, pháp luật tôn trọng thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp của các bên, thỏa thuận phải xác định rõ được cơ quan nào là cơ quan giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi các bên đã thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài thì trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó, nếu một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý. Tuy nhiên khi rơi vào trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP thì Tòa án vẫn có thể thụ lý nếu thuộc thẩm quyền giải quyết.

Quyền của người tiêu dùng trong việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp

Luật trọng tài thương mại tại Điều 17 công nhận quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Đối với các tranh chấp hợp đồng ký giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng thuộc loại hợp đồng soạn sẵn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thì người tiêu dùng vẫn có quyền lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Ngoài ra, Điều 38 Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Mối quan hệ giữa Luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp

Cơ quan tài phán phải sử dụng luật áp dụng để giải quyết tranh chấp

Khi giải quyết tranh chấp, cơ quan tài phán phải sử dụng một hệ thống luật để giải quyết, mỗi cơ quan tài phán sẽ có một nguồn luật áp dụng khác nhau:

Trường hợp cơ quan giải quyết là Trọng tài

Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định luật áp dụng giải quyết tranh chấp như sau:

  • Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp
  • Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất
  • Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án

Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015 quy định luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài:

  • Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
  • Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
  • Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

Xung đột pháp luật giữa cơ quan tài phán và luật áp dụng

Xung đột pháp luật giữa cơ quan tài phán và luật áp dụng

>>> Xem thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Nguyên tắc xung đột pháp luật giữa cơ quan tài phán và luật áp dụng

Mỗi quốc gia trên thế giới có một hệ thống riêng của mình, các hệ thống pháp luật đó có thể có những sự khác biệt. Khi có hai hay nhiều hệ thống pháp luật có nội dung khác nhau cùng có thể áp dụng để điều chỉnh một quan hệ pháp đó là xung đột pháp luật. Bên cạnh đó, khi có một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì đồng thời cũng làm phát sinh tình trạng có hai hoặc nhiều cơ quan tư pháp của các nước khác nhau có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Hiện tượng đó gọi là xung đột thẩm quyền.

Trong quá trình giải quyết xung đột luật và xung đột thẩm quyền, việc giải quyết xung đột thẩm quyền phải được diễn ra trước. Nghĩa là phải trả lời được câu hỏi về thẩm quyền, xác định được chủ thể có quyền giải quyết vụ việc thì mới có thể giải quyết được câu hỏi thứ hai – giải quyết xung đột pháp luật. Khi các bên trong hợp đồng lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, nhưng có sự xung đột giữa cơ quan tài phán và luật áp dụng thì cơ quan tài phán có thể từ chối giải quyết.

Ví dụ: Tòa án Việt Nam có quyền từ chối thụ lý khi các bên yêu cầu áp dụng luật trung quốc để giải quyết vì cùng 1 nội dung về bất khả kháng và miễn trừ, nhưng có thể luật trung quốc quy định khác việt nam.

>> Xem thêm: Chủ nhà có được vứt đồ của bên thuê ra khi lấy lại nhà không

Nguyên tắc thống nhất khi lựa chọn luật áp dụng và cơ quan tài phán

Về nguyên tắc, cơ quan tài phán của nước nào thì sẽ áp dụng tư pháp quốc tế của nước đó để xem xét vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi xem xét thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài cần phải đặt trong sự gắn kết với từng con đường giải quyết tranh chấp. Việc xác định hệ thống pháp luật được dùng để đánh giá tính hợp pháp của thỏa thuận chọn luật giữa các bên chủ thể trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào việc cơ quan tài phán thụ lý vụ việc tranh chấp thuộc nước nào.

Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài

Pháp luật các nước, các điều ước quốc tế về trọng tài và quy tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài trên thế giới đều cho phép, khuyến khích các bên chủ thể thỏa thuận về luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung khi sử dụng con đường giải quyết tranh chấp là trọng tài. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật được lựa chọn không có nghĩa là tự do mà vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước, điều ước quốc tế có liên quan.

Chẳng hạn pháp lệnh về trọng tài thương mại Việt Nam quy định: “Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Như vậy, khi lựa chọn trọng tài nước nào, các bên chủ thể cần phải xem xét cả pháp luật nước đó, điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên có liên quan và quy tắc trọng tài (trong trường hợp đây là trọng tài quy chế) để biết được loại hợp đồng giữa họ có được phép thỏa thuận lựa chọn luật không và hệ thống pháp luật được lựa chọn có hợp pháp hay không?

Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án

Tư pháp quốc tế của nước có tòa án sẽ là cơ sở để xem việc thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên có hợp pháp hay không. Tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay theo hướng cho phép các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, quyền tự do thỏa thuận này cũng bị “tước bỏ” trong một số hợp đồng đặc biệt.

Những điểm cần lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng

Những điểm cần lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng

>>> Xem thêm: Thói quen trong hoạt động thương mại

Những điểm cần lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng

Khi xác lập giao dịch, người tiêu dùng cần lưu ý những vấn đề sau để tránh tranh chấp phát sinh và đảm bảo được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

  • Chủ thể giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi phù hợp với giao dịch được xác lập. Thông thường doanh nghiệp sẽ cử một người có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thực hiện việc kí hết hợp đồng với người tiêu dùng. Chủ thể là một trong những tiêu chí để hợp đồng có hiệu lực, do đó người tiêu dùng cần lưu ý vấn đề này để đảm bảo tình trạng pháp lí của hợp đồng cũng như căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Xác định rõ tình trạng của đối tượng giao dịch. Cần tìm hiểu kỹ, xác minh rõ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Đặc biệt, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với các thông tin quảng cáo.

  • Đọc kĩ nội dung hợp đồng trước khi giao dịch. Phần lớn người tiêu dùng đồng ý ký kết Hợp đồng với nhân viên của doanh nghiệp ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng. Trong nhiều trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
  • Đọc và nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung của hợp đồng và các phụ lục kèm theo trước khi ký kết, so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.
  • Xem xét thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Nếu quý đọc giả còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc cần sự trợ giúp của TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 1900.63.63.87 Luật sư của Long phan PMT hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Hotline 1900.63.63.87 luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những  tư vấn từ luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc. Xin cảm ơn!

Scores: 5 (43 votes)

Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87