Khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là quyền hợp pháp của người nộp đơn khi không đồng ý với kết quả thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ. Quá trình này đòi hỏi sự am hiểu pháp luật sở hữu trí tuệ và kinh nghiệm xử lý hồ sơ khiếu nại. Bài viết sau đây của Long Phan PMT sẽ phân tích chi tiết các vấn đề liên quan đến thủ tục khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo quy định pháp luật hiện hành.
Mục Lục
- 1 Trường hợp nào hồ sơ yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối
- 2 Thời hiệu khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là bao lâu
- 3 Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục khiếu nại
- 4 Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
- 5 Tư vấn thủ tục khiếu nại khi hồ sơ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối
Trường hợp nào hồ sơ yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối
- Theo quy định tại Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được bổ sung, sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 42 Điều 1 và khoản 83 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, hồ sơ yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể bị từ chối trong các trường hợp sau:
- Đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ. Ví dụ, nhãn hiệu không có khả năng phân biệt, trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác.
- Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất. Trường hợp này xảy ra khi có nhiều đơn đăng ký cho cùng một đối tượng nhãn hiệu.
- Đơn thuộc trường hợp có nhiều người cùng nộp đơn nhưng không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.
- Ngoài ra, đơn đăng ký nhãn hiệu cũng có thể bị từ chối nếu không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định của pháp luật.
Thời hiệu khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là bao lâu
Theo quy định tại Điều 9 và 33 Luật Khiếu nại 2011, thời hiệu khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định từ chối. Đây là thời hạn quan trọng mà người nộp đơn cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trong trường hợp vì lý do khách quan như ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục khiếu nại
Để thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, người nộp đơn cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Đơn khiếu nại: trong đó nêu đầy đủ các thông tin theo quy định tại Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ.
- Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ và bản sao đơn đăng ký nhãn hiệu là đối tượng của quyết định hoặc thông báo đó.
- Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với khiếu nại lần hai).
- Chứng cứ (bằng chứng hoặc vật chứng) dùng để chứng minh, làm rõ lập luận khiếu nại.
- Văn bản ủy quyền (nếu nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp).
Bộ hồ sơ khiếu nại được quy định cụ thể tại Điều 36 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
>>>Xem thêm: Mẫu đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại mới nhất hiện nay
Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Nộp hồ sơ khiếu nại ở đâu?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, hồ sơ khiếu nại có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu lần đầu. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2.
Quá trình giải quyết khiếu nại
Sau khi nhận được hồ sơ khiếu nại, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành các bước giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN và khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Bước 1: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:
- Ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường hợp bị từ chối, trong đó nêu rõ lý do từ chối; hoặc
- Ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.
Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại.
- Người có thẩm quyền khiếu nại lấy ý kiến của người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
- Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho bên liên quan và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến (nếu có);
- Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn quy định, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại;
- Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;
- Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì đơn khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong đơn, bao gồm cả tài liệu thể hiện ý kiến của bên kia.
Bước 3: Thực hiện thủ tục thẩm định lại (nếu xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của người khiếu nại).
Bước 4: Tổ chức buổi đối thoại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có thể thực hiện thủ tục khiếu nại lần 2 đến Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
>>>Xem thêm: Khiếu nại hành vi không giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước
Thời hạn giải quyết khiếu nại
Theo quy định tại khoản 5 Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Cụ thể:
- Đối với khiếu nại lần đầu: không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Đối với khiếu nại lần hai: không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Tư vấn thủ tục khiếu nại khi hồ sơ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối
Khi hồ sơ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối, luật sư của Long Phan PMT sẽ thực hiện các công việc sau để hỗ trợ khách hàng:
- Phân tích lý do từ chối, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục khiếu nại lần 1, khiếu nại lần 2.
- Tư vấn phương án, yêu cầu khiếu nại phù hợp quy định pháp luật.
- Chuẩn bị hồ sơ khiếu nại đầy đủ, đúng quy định.
- Soạn thảo đơn khiếu nại với lập luận chặt chẽ.
- Hướng dẫn thu thập và chuẩn bị chứng cứ bổ sung.
- Nộp hồ sơ khiếu nại và theo dõi quá trình xử lý.
- Tham gia đối thoại với cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
- Tư vấn phương án khởi kiện tại Tòa án nếu kết quả giải quyết khiếu nại không đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu khách hàng.
Khiếu nại quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là quy trình phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. Quý khách hàng cần hỗ trợ tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 để được các luật sư của Long Phan PMT hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Quý khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách hiệu quả nhất.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.