Khiếu nại quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trường hợp khá phổ biến. Nguyên nhân xảy ra khiếu nại quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuất phát từ cơ quan có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn về quy trình trình khiếu nại cũng như các thủ tục có liên quan, xin mời các bạn đọc bài viết dưới đây.
Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Hiện nay, pháp luật quy định rõ các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
- Trường hợp 1: Thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người theo quy định tại Điều 65 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi tắt là Nghị định 43/2014/NĐ-CP);
- Trường hợp 2: Thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp người sử dụng đất bị mất Giấy chứng nhận có yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
- Trường hợp 3: Thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
- Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định;
- Trường hợp 4: Thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 7 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Như vậy, nếu rơi vào một trong bốn trường hợp nói trên thì người sử dụng đất sẽ bị nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
>>>Xem thêm: Các trường hợp thu hồi đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2013 thì việc thu hồi GCN quyền sử dụng đất đã cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2013 quyết định ngay sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Vậy, việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ do Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp ra quyết định thu hồi, cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Khiếu nại 2011 như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
Theo đó, có thể hiểu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ bao gồm các chủ thể sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình, của người do mình quản lý trực tiếp;
- Thủ trưởng các cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan, đơn vị liên quan khác giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình hoặc của cán bộ công chức do mình quản lý trực tiếp;
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường giải quyết lần đầu đối với khiếu nại quyết định hành chính của mình hoặc của người mình trực tiếp quản lý;
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc mà thủ trưởng các quan đơn vị này đã giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng quyết định giải quyết đó không được người sử dụng đất đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên thì có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai về đất đai.
Cơ quan giải quyết khiếu nại
Thủ tục khiếu nại quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Hồ sơ chuẩn bị
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013; Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 thì việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, theo đó:
- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì hồ sơ chuẩn bị bao gồm đơn khiếu nại, trong đơn phải ghi rõ các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định như khiếu nại trực tiếp bằng đơn.
Ngoài đơn khiếu nại, người thực hiện khiếu nại còn có thể bổ sung thêm tất cả tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích bị xâm phạm vào hồ sơ chuẩn bị.
Trình tự thực hiện
Trình tự, thủ tục thực hiện khiếu nại quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo các bước sau:
Thứ nhất, Đối với khiếu nại lần đầu:
Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét và thụ lý giải quyết khiếu nại, cụ thể:
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết.
- Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện.
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến (nếu có) và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại:
Trong thời hạn 30 ngày, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
- Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
- Nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
- Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
- Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
Bước 5: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
- Nội dung khiếu nại;
- Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
- Kết quả đối thoại (nếu có);
- Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
- Kết luận nội dung khiếu nại;
- Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
- Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);
Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
Bước 6: Gửi quyết định giải quyết khiếu nại:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cơ sở pháp lý: Điều 27 Luật Khiếu nại 2011 được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2020 (gọi tắt là Nghị định 124/2020/NĐ-CP); Điều 28, Khoản 1 Điều 29, Điều 30, 31 Luật Khiếu nại 2011; Điều 32 Luật Khiếu nại 2011 hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 2 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, Đối với khiếu nại lần 2:
Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại;
Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại, cụ thể:
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết.
- Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện.
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến (nếu có) và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại lần hai:
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại lần hai:
- Người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai:
- Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Bước 6: Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Cơ sở pháp lý: Điều 36 Luật Khiếu nại 2011 được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP; Điều 39 Luật Khiếu nại 2011 được hướng dẫn bởi Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP; Điều 38, 41 Luật Khiếu nại 2011.
>>>Xem thêm: Thủ tục kiện đòi hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai đối tượng
Luật sư tư vấn và đưa ra hướng giải quyết khi bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Dịch vụ luật sư tư vấn và đưa ra hướng giải quyết phù hợp của công ty chúng tôi sẽ bao gồm một số dịch vụ sau:
- Tư vấn các trường hợp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Tư vấn các điều kiện xin cấp lại giấy chứng nhận quyền;
- Tư vấn về quy trình khiếu nại quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Soạn thảo đơn khiếu nại về quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ để khiếu nại;
- Hỗ trợ khách hàng tham gia đối thoại;
- Tư vấn về hướng giải quyết phù hợp đối với từng vụ việc cụ thể;
- Các vấn đề khác có liên quan.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc và yêu cầu của khách hàng mà dịch vụ tư vấn cũng có thể mở rộng hơn, linh hoạt hơn.
Luật sư tư vấn về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Khiếu nại quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng là một trong những thủ tục đòi hỏi người soạn đơn cần phải có một trình độ am hiểu luật nhất định. Để tránh sai sót và đảm bảo đúng quy trình của luật định, thì các bạn nên tìm đến những công ty Luật uy tín, những luật sư có trình độ chuyên môn. Nếu còn vấn đề thắc mắc hãy liên hệ ngay với Luật Long Phan PMT qua hotline: 1900.63.63.87 để được Luật sư đất đai tư vấn.
Bài viết liên quan khiếu nại hành chính đất đai có thể bạn quan tâm:
- Hướng xử lý khi mua đất không chỉ rõ địa chỉ hoặc thửa đất
- Thủ tục ký hợp đồng tặng cho riêng nhà đất khi con đã kết hôn
- Thủ tục cha mẹ cho con cái đất đai
- Có được mua bán chuyển nhượng đất do quân đội cấp?
Tags: Mua bán nhà đất
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.