Cổ đông có được thế chấp cổ phần để vay tiền là câu hỏi khá phổ biến hiện nay. Thế chấp tài sản là một loại giao dịch bảo đảm, bên cạnh tài sản thế chấp là các tài sản thông thường thì các cổ đông vẫn có thể thế chấp cổ phần của mình để vay vốn khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết.
Thế chấp tài sản là cổ phần để vay tiền
Mục Lục
Quy định về thế chấp tài sản
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).
Trong quá trình thực hiện giao dịch bảo đảm, tài sản được bên thế chấp giữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên thứ ba vẫn có thể giữ tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận khác.
Cơ sở pháp lý: Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015.
>>> Xem thêm: Có được thế chấp tài sản của con chưa thành niên không?
Cổ đông thế chấp cổ phần để vay tiền có được không?
Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Trong khi đó, cổ phần thể hiện cho một phần của vốn điều lệ do công ty cổ phần phát hành. Do đó có thể hiểu, cổ phần là một dạng tài sản được biểu hiện dưới dạng giấy tờ có giá là cổ phiếu (khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015).
Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, chủ thể góp vốn được dùng cổ phần để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật liên quan và điều lệ của pháp nhân (nếu có).
Vì vậy, cổ đông sở hữu cổ phần của doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thế chấp phần cổ phần của mình để vay tiền.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015; điểm a khoản 1 Điều 111, khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 15 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 do Chính phủ ban hành quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Xử lý tài sản thế chấp là cổ phần
Phương thức xử lý
Khi bên thế chấp không thể thực hiện các nghĩa vụ của bên nhận thế chấp thì tài sản thế chấp sẽ được tiến hành xử lý để thực hiện các nghĩa vụ. Các phương thức xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn một trong các phương thức nêu trên để xử lý tài sản thế chấp và thực hiện nghĩa vụ và có thể thỏa thuận về việc xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm.
Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà nhưng không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản để xử lý và pháp luật không quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được bán đấu giá, trừ trường hợp luật khác có quy định. Khi đó, nếu các bên có thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này.
Ngoài ra, đối với các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì bên nhận bảo đảm được bán theo giá tại thị trường giao dịch chứng khoán hoặc sàn giao dịch nhưng phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác trước khi bán.
Cơ sở pháp lý: Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 1, 2, 3 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
>>> Xem thêm: Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
Các phương thức xử lý tài sản thế chấp
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Việc xử lý tài sản thế chấp có thể dẫn đến việc chuyển nhượng cổ phần (do có sự thay đổi chủ sở hữu cổ phần, dù bên nhận thế chấp nhận chính cổ phần, bán cổ phần cho người thứ ba và các phương thức xử lý khác).
Chuyển nhượng cổ phần trong là việc cổ đông thực hiện chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ số cổ phần mà mình đang nắm giữ cho người khác. Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác”.
Tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra các hạn chế khi chuyển nhượng cổ phần như sau:
- Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và trường hợp người nhận không là cổ đông sáng lập thì chỉ được chuyển nhượng khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Quy định này áp dụng trong 03 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cổ phần được tự do chuyển nhượng, nếu trường hợp Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Cơ sở pháp lý: điểm d khoản 1 Điều 111, khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.
Luật sư tư vấn thế chấp cổ phần để vay vốn
Tư vấn thế chấp cổ phần để vay vốn
- Giải đáp cho khách hàng các quy định về thế chấp tài sản để vay vốn
- Tư vấn các điều kiện cụ thể để cổ đông thế chấp cổ phần vay tiền.
- Hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng các thủ tục cần thiết khi tiến hành các phương thức xử lý tài sản thế chấp.
- Tư vấn khách hàng các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp.
- Các công việc khác theo yêu cầu của khách hàng.
Thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm trong quy định pháp luật dân sự. Theo đó, khi đáp ứng được các điều kiện cần thiết, các cổ đông trong công ty cổ phần vẫn có thể thế chấp tài sản là cổ phần để tiến hành các giao dịch dân sự khác. Nếu như quý bạn đọc vẫn còn thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn luật doanh nghiệp hoặc cần tìm dịch vụ luật sư để xử lý các vấn đề liên quan thì vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.