Bị nhái kiểu dáng công nghiệp là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thương mại của sản phẩm đã đăng ký bảo hộ. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bài viết sau của Luật Long Phan PMT sẽ trình bày các bước xử lý chi tiết khi phát hiện bị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.

Xác minh, thu thập chứng cứ khi bị nhái kiểu dáng công nghiệp
Khi phát hiện bị nhái kiểu dáng công nghiệp, trước hết phải xác minh hành vi và thu thập chứng cứ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 76 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, kiểu dáng công nghiệp được coi là bị xâm phạm khi hình dáng bên ngoài của một sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp không khác biệt đáng kể so với kiểu dáng công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ. Dựa vào yếu tố trên, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cần tiến hành ghi nhận hành vi xâm phạm qua hình ảnh, video, tài liệu giao dịch hoặc sản phẩm mẫu chứng minh kiểu dáng công nghiệp của mình bị đạo nhái.
Cụ thể, chứng cứ cần thu thập có thể bao gồm: Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, mẫu sản phẩm gốc đã đăng ký cấp văn bằng bảo hộ, sản phẩm bị tố cáo vi phạm, hình ảnh so sánh rõ nét, biên bản ghi nhận việc phát hiện vi phạm có xác nhận của cơ quan chức năng. Việc thu thập chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan, đầy đủ và có giá trị pháp lý để làm căn cứ cho các bước tiếp theo trong quá trình bảo vệ quyền kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, chủ sở hữu cần lưu giữ các tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế như: báo cáo doanh thu bị giảm sút, chi phí marketing bị lãng phí, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Những bằng chứng này sẽ hỗ trợ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các thủ tục pháp lý sau này.
Bên cạnh việc xác minh, thu thập chứng cứ như trên, Quý khách có thể lập vi bằng tại tổ chức hành nghề Thừa phát lại nhằm tăng tính xác thực cho chứng cứ thu thập, vì vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật. Vi bằng sẽ ghi nhận tất cả hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký theo yêu cầu của chủ thể có quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp đó. Việc này giúp tạo lập một bộ hồ sơ pháp lý chặt chẽ khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc khởi kiện ra Tòa án.
Xác định căn cứ, điều kiện được bảo vệ khi yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi nhái kiểu dáng công nghiệp
Để bảo vệ quyền lợi của mình, khi yêu cầu cơ quan chức năng xử lý thì chủ sở hữu phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký bảo hộ và đã xác lập tư cách chủ thể quyền. Cụ thể, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:
- Bản sao Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;
- Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp.
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp, nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao đã được chứng thực theo quy định hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế).
Cơ sở pháp lý: Khoản 1 và khoản 3 Điều 91 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
Gửi thông báo đến đối tượng vi phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi nhái kiểu dáng công nghiệp và bồi thường
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nên nếu có hành vi xâm phạm đến quyền này thì chủ sở hữu có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền của mình quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (văn bản hợp nhất). Trong đó, chủ sở hữu có quyền áp dụng biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm do chủ sở hữu thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, nếu chủ sở hữu bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự như buộc bồi thường thiệt hại hoặc các hiện pháp khác quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (văn bản hợp nhất).
Cơ sở pháp lý: Điều 198, Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (văn bản hợp nhất), Điều 88 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
>> Xem thêm: Xử lý khi bị cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

Gửi đơn yêu cầu xử lý khi bị nhái kiểu dáng công nghiệp
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký có quyền gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm nếu có hành vi xâm phạm đến kiểu dáng công nghiệp của mình.
Thẩm quyền tiếp nhận
Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (văn bản hợp nhất). Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá 30 ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.
Cơ quan xử lý xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm, nêu rõ lý do từ chối trong trường hợp sau:
- Hết thời hạn ấn định quy định tại khoản 3 Điều này mà người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật có liên quan;
- Hết thời hiệu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;
- Kết quả xác minh của cơ quan xử lý xâm phạm cho thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý xâm phạm.
Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Cơ sở pháp lý: Điều 94 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (văn bản hợp nhất).
Đơn và thành phần hồ sơ
Thành phần hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm có thể bao gồm:
- Đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải đảm bảo đầy đủ nội dung tại khoản 1 Điều 89 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
- Bản sao Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
- Kết quả giám định (nếu có);
- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo khác để chứng minh yêu cầu của mình phải phù hợp với nguyên tắc tại Điều 90 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
Lưu ý: Thành phần hồ sơ nộp kèm theo đơn yêu cầu đều là bản sao y, tài liệu nào không thể sao y thì nộp bản photo và giải trình trong đơn yêu cầu.
Hoạt động giám định hành vi vi phạm
Hoạt động giám định hành vi vi phạm là hoạt động được thực hiện nhằm phục vụ cho mục đích chứng minh vi phạm, từ đó, xác định có hay không hành vi nhái kiểu dáng công nghiệp, mức độ cũng như tính chất của hành vi vi phạm đó. Kết luận giám định là chứng cứ trực tiếp và có giá trị pháp lý cao, đóng vai trò then chốt trong việc xử lý hành vi vi phạm và để tiến hành khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại vì đây là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như là đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, hoạt động giám định cũng có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết các vụ án hình sự, việc giám định các hành vi vi phạm giúp gỡ nút thắt trong việc đánh giá hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội; xác định sự thật khách quan của vụ án.
Khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường khi bị nhái kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp bị đạo nhái cũng có thể dẫn đến việc khởi kiện dân sự nhằm đòi bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại mà chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp phải chịu. Theo đó, ranh chấp về kiểu dáng công nghiệp là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nên tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 4 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hiện hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
Từ sau ngày 01/7/2025, cơ cấu tổ chức Tòa án không còn Tòa án nhân dân cấp huyện do chính sách sáp nhập của Nhà nước nên việc giải quyết tranh chấp này không thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Với cơ cấu mới, các tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền cụ thể căn cứ vào nơi cư trú thường xuyên hoặc nơi làm việc của các bên đương sự theo quy định pháp luật hiện hành.
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp nộp đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP và các tài liệu, chứng cứ kèm theo tại Tòa án có thẩm quyền. Đơn khởi kiện phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của đơn và các tài liệu kèm theo. Nếu đơn khởi kiện hợp lệ, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án.
Việc khởi kiện dân sự sẽ tuân theo trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hiện hành.
Cơ sở pháp lý: Điều 189, Điều 190, Điều 191, Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hiện hành.
>> Xem thêm: Cách khởi kiện yêu cầu bồi thường khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Yêu cầu xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành khi bị nhái kiểu dáng công nghiệp
Việc nhái kiểu dáng công nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người xâm phạm cố ý làm hàng hóa giả mạo với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù 05 năm, tùy trường hợp cụ thể, theo Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành.
Trường hợp việc nhái kiểu dáng công nghiệp đã bị xử phạt hành chính thì vẫn có thể bị yêu cầu xử lý hình sự. Ban đầu, một hành vi được xác định là vi phạm hành chính và đã bị xử phạt. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, làm rõ, hoặc do phát hiện thêm tình tiết, mức độ vi phạm, giá trị thiệt hại… mà hành vi đó được xác định là đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm theo Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đã có và tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Việc này không phải là “xử hai hình phạt” mà là chuyển đổi tính chất pháp lý của hành vi từ vi phạm hành chính sang tội phạm hình sự, và áp dụng hình phạt hình sự thay thế cho chế tài hành chính.
Tương tự đối với việc bị khởi kiện dân sự và yêu cầu xử lý hình sự đồng thời nếu có căn cứ cấu thành tội phạm. Việc một hành vi bị khởi kiện dân sự và đồng thời hoặc sau đó bị yêu cầu xử lý hình sự là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam. Cụ thể, việc đạo nhái kiểu dáng công nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 226 Bộ luật Hình sự nhưng nếu có thiệt hại xảy ra, chủ sở hữu vẫn có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Hoặc tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 hiện hành có quy định rõ về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, tức trong cùng một bản án hình sự, Tòa án có thể đồng thời tuyên về tội danh và hình phạt hình sự và cả về trách nhiệm bồi thường dân sự (nếu có yêu cầu và đủ căn cứ). Trường hợp chưa đủ điều kiện giải quyết phần dân sự hoặc việc giải quyết phần dân sự làm ảnh hưởng đến việc giải quyết phần hình sự, Tòa án có thể tách phần dân sự ra để giải quyết trong một vụ án dân sự riêng biệt.

Các câu hỏi thường gặp về việc bị nhái kiểu dáng công nghiệp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về việc bị xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, Quý khách có thể hiểu rõ hơn thông qua các câu hỏi sau:
Có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm những khoản nào?
Bồi thường thiệt hại có thể bao gồm các khoản như thiệt hại về vật chất (doanh thu giảm sút, chi phí marketing bị lãng phí) và thiệt hại về tinh thần (ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu), cùng với chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Để được bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh được những thiệt hại trên.
Ngoài việc khởi kiện dân sự và hình sự, còn có biện pháp xử lý nào khác đối với hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp?
Có thể áp dụng các biện pháp hành chính như phạt tiền, tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động kinh doanh, hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm,… Các biện pháp này được quy định cụ thể trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong bao lâu?
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm, theo khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 hiện hành.
Dịch vụ luật sư trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
Quý khách hàng khi gặp trường hợp bị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp có thể sử dụng dịch vụ luật sư của Luật Long Phan PMT để được hỗ trợ chuyên sâu:
- Tư vấn, đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.
- Hỗ trợ lập vi bằng, thu thập chứng cứ, xác minh hành vi vi phạm.
- Soạn thảo thông báo chấm dứt hành vi vi phạm, thỏa thuận bồi thường thiệt hại.
- Đại diện nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính tại cơ quan chức năng.
- Tham gia phiên tòa trong lĩnh vực tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự với tư cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Kết luận
Trường hợp bị nhái kiểu dáng công nghiệp cần được xử lý theo đúng trình tự pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Quý khách hàng nên chủ động thu thập chứng cứ, đánh giá yếu tố vi phạm và lựa chọn biện pháp phù hợp. Nếu cần hỗ trợ pháp lý chuyên sâu, vui lòng liên hệ Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được đội ngũ luật sư tư vấn và bảo vệ quyền lợi kịp thời, hiệu quả.
Tags: Đạo nhái kiểu dáng công nghiệp, Xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, Xử lý xâm phạm kiểu dáng công nghiệp
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.