Không trả lương ngày lễ, Tết cho nhân viên bị xử phạt như thế nào? Là câu hỏi rất được quan tâm gần đây, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Vào các ngày nghỉ lễ, Tết, nhân viên không đi làm có được hưởng lương không và nếu công ty không trả lương thì có bị phạt không sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây để Quý bạn đọc để nắm rõ hơn quy định về vấn đề này.
Trả lương ngày lễ, Tết
Mục Lục
- 1 Các trường hợp nghỉ làm không phải trả lương
- 2 Người lao động nghỉ lễ, Tết có được trả lương không?
- 3 Xử phạt doanh nghiệp không trả lương ngày lễ, tết cho người lao động
- 4 Cần làm gì khi công ty không trả lương ngày lễ, Tết?
- 5 Luật sư tư vấn việc công ty không trả lương ngày lễ, Tết cho người lao động
Các trường hợp nghỉ làm không phải trả lương
Bộ luật Lao động quy định các trường hợp người lao động nghỉ làm không được hưởng lương như sau:
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. (theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019);
- Nếu có nhu cầu lao động nữ hết thời gian nghỉ thai có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương, sau khi đã thỏa thuận với người sử dụng lao động (theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019);
- Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương (theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019).
Như vậy, khi người lao động nghỉ làm trong các trường hợp nêu trên thì người sử dụng lao động không phải trả lương.
>>>Xem thêm: Nghỉ thai sản người lao động có được trả lương không?
Người lao động nghỉ lễ, Tết có được trả lương không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết, cụ thể người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch)
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 thì nếu ngày nghỉ lễ, Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp.
Như vậy, dựa vào các quy định trên, vào các ngày nghỉ lễ, Tết, người lao động được nghỉ làm và vẫn được trả lương với số ngày nhất định theo quy định của pháp luật.
Ngày lễ, Tết
Xử phạt doanh nghiệp không trả lương ngày lễ, tết cho người lao động
Phạt hành chính
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì phạt tiền Doanh nghiệp Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì ngoài các hình thức xử phạt hành chính nêu trên, người sử dụng lao động vi phạm còn có thể bị áp dụng một số các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Buộc người sử dụng lao động trả lương cho người lao động;
- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Cơ sở pháp lý: khoản 7,8 Điều 4; điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Cần làm gì khi công ty không trả lương ngày lễ, Tết?
Như đã trình bày ở trên, người lao động nghỉ lễ, Tết vẫn được hưởng nguyên lương. Do đó, trường hợp công ty không trả tiền lương khi làm việc vào ngày lễ, Tết thì người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp tới ban giám đốc công ty.
Trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của công ty hoặc đã hết thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết, thì người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc quá thời hạn (5 ngày làm việc) mà không được giải quyết thì người lao động có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 15; Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Khiếu nại không trả lương
Luật sư tư vấn việc công ty không trả lương ngày lễ, Tết cho người lao động
Luật sư tư vấn việc công ty không trả lương ngày lễ, Tết cho người lao động trong những phạm vi công việc sau:
- Tư vấn các quy định về chế độ tiền lương, thưởng các ngày lễ, Tết;
- Tư vấn, hướng dẫn viết đơn khiếu nại, cách thức khiếu nại;
- Tư vấn quy trình khiếu nại của khách hàng về hành vi không trả lương;
- Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan;
- Làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước theo ủy quyền của khách hàng;
- Hỗ trợ giải quyết các tranh chấp về tiền lương (nếu có);
- Các vấn đề pháp lý có liên quan khác.
Với các dịch vụ cung cấp, Luật Long Phan PMT luôn đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng được bảo vệ một cách tối ưu nhất.
Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, người lao động vẫn được hưởng lương vào các ngày nghỉ lễ, Tết. Quy định pháp luật về các hình thức xử phạt đối với việc không trả lương ngày nghỉ lễ, Tết đã được trình bày trong bài viết trên. Quý bạn đọc có thắc mắc hay cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900.63.63.87 của Luật Long Phan PMT để được luật sư lao động hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.