Tội lừa dối khách hàng là một loại tội phạm khá phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn với các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thực tiễn. Nhận thấy được thực trạng trên, công ty Luật Long Phan PMT chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bài viết sau đây. Nhằm cung cấp những nội dung về định nghĩa, quy định xử phạt hành chính và hình sự đối với hành vi lừa dối khách hàng với mong muốn hỗ trợ kiến thức pháp lý giúp quý độc giả hiểu rõ về nội hàm của hành vi.
Hành vi gian dối nhằm thu lợi bất chính
Mục Lục
Thế nào là hành vi lừa dối khách hàng?
Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì có thể hiểu hành vi lừa dối khách hàng là việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính sai hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính. Đây là hành vi gian dối của người bán hàng trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng.
Thông thường các hành vi lừa dối khách hàng sẽ là hành vi thay đổi cấu tạo cân, cân sai, đếm thiếu,… để trục lợi. Đây là hành vi dễ gặp trong thực tiễn, nhưng là hành vi sai và sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật nếu bị phát hiện.
Phân biệt tội lừa dối khách hàng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản
Tội lừa dối khách hành và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 2 tội danh có nhiều điểm chung trong cấu thành tội phạm như: là lỗi cố ý, cùng được thực hiện bằng thủ đoạn, hành vi gian dối và nhằm mục đích trục lợi về tài sản. Tuy nhiên, giữa tội lừa dối khách hàng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tồn tại những đặc điểm riêng, giúp phân biết 2 tội danh này với nhau. Cụ thể:
Về khách thể: Tội lừa dối khách hàng xâm phạm trật tự kinh doanh xã hội chủ nghĩa và lợi ích của người tiêu dùng. Trong khi đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.
Về chủ thể thực hiện tội phạm: Tội lừa dối khách hàng có chủ thể là những người làm nghề mua, bán hàng. Còn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bất kỳ người nào cũng có thể trở thành chủ thể thực hiện tội phạm.
Về hành vi khách quan của tội phạm: Lừa dối khách hàng là việc gian dối trong các lĩnh vực mua, bán bằng thủ đoạn cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo mặt hàng để lấy tiền của khách hàng. Còn việc lừa đảo chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin tưởng vào sự gian dối mà trao tài sản cho người phạm tội.
Như vậy, thông qua những đặc điểm trên, có thể nhận dạng được hành vi gian dối sẽ thuộc vào tội nào. Ngoài ra, cần lưu ý, tội lừa dối khách hàng có mức hình phạt cao nhất nhẹ hơn ( 5 năm) mức hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân), điều này cũng đã thể hiện tính nguy hiểm của 2 loại tội phạm trên.
>>> Xem thêm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – mức xử phạt mới nhất
Quy định pháp luật về xử phạt tội lừa dối khách hàng
Xử phạt hành chính
Hành vi lừa dối khách hàng nếu chưa đủ điều kiện để bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định hành chính. Cụ thể, đối với hành vi cân đong, đo đếm, làm sai lượng hàng hóa trên thực tế sẽ bị xử phạt theo Điều 14, Điều 15 quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử) (từ đây gọi tắt là Nghị định 119/2017/NĐ-CP và Nghị định 126/2021/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ; Không tuân thủ hoặc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định khi thực hiện phép đo; Buôn bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ
- Mức phạt tiền đối với vi phạm về phép do trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai lệch quá phạm vi sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép do do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất chính được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi số tiền đến 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi số tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi số tiền thu lợi bất chính từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số tiền thu lợi bất chính khi số tiền thu lợi bất chính từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền thu lợi bất chính khi số tiền thu lợi bất chính từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 03 lần đến 04 lần số tiền thu lợi bất chính khi số tiền thu lợi bất chính từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 04 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính khi số tiền thu lợi bất chính trên 500.000.000 đồng.
Hoặc đối với trường hợp vi phạm đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất hoặc nhập khẩu thì:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi: Lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa không phù hợp với tài liệu đi kèm, hoặc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan có thẩm quyền quy định.
- Đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn trong trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất chính mức phạt tiền như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi số tiền thu lợi bất chính có được đến 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi số tiền thu lợi bất chính từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong khi số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong khi số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 03 lần đến 04 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 04 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được trên 500.000.000 đồng.
Tương tự với đó là các hành vi vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong buôn bán cũng được xử phạt theo quy định tại Điều 16 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ( sửa đổi bổ sung bởi khoản 14 Điều 4 Nghị định 126/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi lừa dối khách hàng còn có thể được xử phạt theo Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng: Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn; Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng…
Nhìn chung, các quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi lừa dối khách hàng sẽ căn cứ vào số tiền đã thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, ngoài hình phạt chính là phạt tiền, các quy định trên còn áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu số tiền thu lợi bất chính có được.
Xử lý hình sự
Luật sư tư vấn hình sự
Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về trường hợp xử lý hành vi lừa dối khách hàng theo pháp luật hình sự, trong đó, người nào có hành vi mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ nhưng lại cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác khi mua bán, trao đổi hàng hóa có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa dối khách hàng khi:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Như vậy, khi xem xét cùng quy định về xử phạt hành chính ta có thể thấy không phải trong mọi trường hợp hành vi lừa dối khách hàng đều bị xử lý hình sự mà tùy vào mức độ hành vi gây nguy hiểm lớn cho xã hội, việc tái phạm tôi hoặc số tiền thu lợi bất chính.
Mức phạt của tội lừa dối khách hàng cũng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với nội dung như sau:
- Đối với các trường hợp đủ điều kiện để xử lý hình sự như đã phân tích ở trên thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, việc xác định mức phạt của hành vi lừa dối khách hàng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: số tiền thu lợi bất chính và mức độ hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
>>>Xem thêm:
- Thủ tục nhờ luật sư bào chữa cho bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Tìm luật sư bảo vệ trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Luật sư tư vấn các quy định pháp lý về hành vi lừa dối khách hàng
- Tư vấn các quy định pháp luật về hành vi lừa dối khách hàng
- Thực hiện bào chữa cho người phạm tội lừa dối khách hàng
- Đại diện khách hàng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, tòa án
- Tư vấn, hỗ trợ các công việc khác theo yêu cầu của khách hàng.
Hành vi lừa dối khách hàng được xem xét xử phạt ở cả lĩnh vực hành chính và hình sự. Để giúp quý khách hàng xác định đúng nội dung của hành vi và mức xử phạt cũng như có được những hiểu biết pháp lý hữu ích, công ty chúng tôi đã cung cấp các thông tin cần thiết trong bài viết trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc mong muốn được giải đáp các vấn đề pháp luật, xin vui lòng liên hệ số hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời và chính xác.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.