Chi phi cưỡng chế thi hành án có phải sẽ do người được thi hành án chịu là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cưỡng chế thi hành án là một biện pháp do cơ quan thi hành án thực hiện khi người có nghĩa vụ thi hành án không thực hiện nghĩa vụ của mình. Lúc này cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Việc cưỡng chế thi hành án kèm theo đó là nghĩa vụ nộp chi phí cưỡng chế theo luật thi hành án dân sự. Vậy chi phí này ai chịu?
Chi phí cưỡng chế thi hành án người được thi hành án chịu?
Mục Lục
Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Biện pháp cưỡng chế thi hành án là biện pháp thi hành án dân sự sử dụng quyền lực Nhà nước với mục đích buộc người phải thi hành án dân sự thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án theo đúng thủ tục thi hành án.
Đặc điểm của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự gồm các đặc điểm chính sau:
- Được thực hiện bằng quyền lực Nhà nước, chỉ cá nhân tổ chức được Nhà nước trao quyền mới có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế.
- Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, pháp luật khuyến khích bên có nghĩa vụ tự nguyện thi hành án.
- Việc cưỡng chế thi hành án được bắt đầu khi có quyết định có hiệu lực bắt buộc thi hành do người có thẩm quyền ban hành. Tùy từng trường hợp cụ thể thì sẽ có quyết định cưỡng chế thi hành khác nhau.
Theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2022 bao gồm các biện pháp sau:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự
Quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự
Chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự là các khoản chi phí do người phải thi hành án nộp để tổ chức cưỡng chế thi hành án trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước chi trả.
Thông tư 200/2016/TT-BTC quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự do Bộ Tài chính ban hành ngày 9/11/2016 quy định chi phí cưỡng chế thi hành án đối với từng chủ thể như sau:
Chi phí người phải thi hành án chịu
- Chi phí thông báo về cưỡng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí), chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).
- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.
- Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản như chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản, chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014; chi bồi dưỡng cho các thành viên họp xác định giá, xác định giá lại tài sản; chi giám định tài sản; chi phí bán đấu giá tài sản.
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; cho thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.
- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu: Cho thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thuê địa điểm và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu; Chi bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.
- Chi phí bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP).
- Chi phí kê biên, xử lý tài sản tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
- Các khoản chi phí khác do pháp luật quy định phục vụ cho cưỡng chế.
- Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì người phải thi hành án phải chịu mọi chi phí về việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án có thể xét miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể.
Chi phí người được thi hành án dân sự phải nộp
- Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
- Chi phí kê biên, xử lý tài sản tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.
- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.
Chi phí người thứ ba trong thi hành án phải nộp
- Người thứ ba đang quản lý tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá mà bị cưỡng chế thi hành án thì phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
- Người thứ ba là tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Chi phí ngân sách Nhà nước phải chịu
- Chi phí định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
- Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án;
- Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ theo quy định khoản 1 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm một số chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong từng trường hợp cụ thể:
- Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng thì pháp luật có quy định đối với đương sự được xét miễn chi phí cưỡng chế thi hành án còn lại nếu đã thi hành được ít nhất 1/2 chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.
- Thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài thì pháp luật có quy định đối với trường hợp này, mức được xét giảm là 50% số tiền chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp. Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí thi hành án phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do của việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án.
Ai chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự
Căn cứ theo Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2022 và thông tư 200/2016/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 9/11/2016 thì tùy trường hợp mà người chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự là một trong bốn chủ thể sau:
- Người phải thi hành án
- Người được thi hành án
- Người thứ ba
- Ngân sách Nhà nước
Ngoài ra pháp luật còn có quy định về người có lỗi trong việc vi phạm thủ tục về định giá tài sản, trong việc ra quyết định miễn, giảm chi phí cưỡng chế sai quy định có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước.
Luật sư tư vấn về cưỡng chế thi hành án dân sự
Luật sư tư vấn về cưỡng chế thi hành án dân sự
- Tư vấn các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
- Tư vấn các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự đối với cá nhân, pháp nhân thương mại
- Đại diện theo ủy quyền trong các công việc với cơ quan thi hành án
Bài viết trên đã giải đáp vấn đề ai sẽ phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án. Nếu còn có thắc mắc về thi hành án dân sự hoặc cần tư vấn luật dân sự, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900636387 để được tư vấn và được hỗ trợ tốt nhất.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.