Trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự là hoạt động nhằm chứng minh, thu thập chứng cứ để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đương sự. Nhằm hiểu rõ hơn về hoạt động tố tụng này và vận dụng một cách chính xác giúp giải quyết vụ việc hiệu quả. Thông qua bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích, làm rõ hơn nội dung thủ tục trưng cầu giám định.
Mục Lục
Chủ thể có quyền trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2021 thì Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
>> Xem thêm: Thủ Tục Giám Định Chữ Viết, Chữ Ký Trong Vụ Án Dân Sự
Vì đặc thù trong tố tụng dân sự, cho nên chủ thể có thẩm quyền trưng cầu giám định là Tòa án theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Căn cứ trưng cầu giám định là khi có đương yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đương sự vẫn có quyền tự mình yêu cầu giám định, với điều kiện là họ đã yêu cầu Tòa án nhưng cơ quan này không tiến hành trưng cầu. Đây là một quy định giúp đương sự tránh lệ thuộc quá nhiều vào Tòa án, tự mình tiến hành thu thập chứng cứ nhằm giải quyết vụ án khách quan.
Nội dung đơn yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự
Theo khoản 1 Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012, khi yêu cầu giám định người phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có). Bên cạnh đó, gồm tài liệu sau: bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Theo đó, văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau:
- Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định.
- Nội dung yêu cầu giám định.
- Tên và đặc điểm của đối tượng giám định.
- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có).
- Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.
- Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.
Chi phí giám định trong tố tụng dân sự hiện hành
Theo quy định tại Điều 159, Điều 160, Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, chi phí giám định bao gồm: tiền tạm ứng và tổng chi phí giám định.
- Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Thứ nhất, người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Thứ hai, Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Thứ ba, đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì việc nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp. Theo đó, căn cứ Điều 36 Luật giám định tư pháp 2012, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.
- Nghĩa vụ chịu tổng chi phí giám định
Thứ nhất, người yêu cầu phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định là không có căn cứ. Nếu có căn cứ một phần thì họ phải chịu chi phí đối với phần không có căn cứ.
Thứ hai, người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả là có căn cứ. Nếu kết quả chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận phải chịu chi phí tương ứng với yêu cầu có căn cứ.
Thứ ba, trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do rút đơn khởi kiện hoặc nguyên đơn vắng mặt, nguyê đơn rút đơn tại cấp phúc thẩm thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm mà người kháng cáo rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị và người kháng cáo vắng mặt thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định.
Thứ tư, trường hợp người tự mình yêu cầu giám định nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.
Thứ năm, đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định.
Như vậy, trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự là hoạt động chứng minh nhằm thu thập chứng cứ đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đương sự. Đương sự có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định, tuy nhiên không phải trường hợp nào đều được đồng ý. Do đó, đương sự có quyền tự mình làm đơn yêu cầu giám định gửi đến cơ quan giám định.
Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự. Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần tư vấn luật dân sự hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan qua số hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.