Vắng mặt người làm chứng có được tiến hành xét xử vụ án hình sự?

Khi vắng mặt người làm chứng thì được xét xử hình sự không? Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của NGƯỜI LÀM CHỨNG khi họ tham gia tố tụng hình sự như thế nào? Và việc bảo vệ người làm chứng được pháp luật quy định ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.

tư vấn thủ tục tố tụng hình sự

Tư vấn quy định pháp luật tố tụng hình sự

Người làm chứng trong tố tụng hình sự

Khái niệm

Căn cứ Khoản 1, Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015):

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Trường hợp không được là người làm chứng

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015; những người sau đây KHÔNG được là người làm chứng:

  • Người bào chữa của người bị buộc tội;
  • Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Căn cứ Khoản 3, Điều 66 BLTTHS 2015; người làm chứng có quyền:

  • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;
  • Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền lợi hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
  • Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác.

Căn cứ Khoản 4, Điều 66 BLTTHS 2015; nghĩa vụ của người làm chứng bao gồm:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị DẪN GIẢI;
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Ngoài ra, nếu người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người làm chứng có thể phạm những tội sau:

  • Tội cung cấp tài liệu sai sự thật và khai báo gian dối được quy định tại Điều 382
  • Tội từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu được quy định tại Điều 383

người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự

Vắng mặt người làm chứng tại phiên tòa xét xử hình sự

Vắng mặt người làm chứng có được tiến hành xét xử vụ án hình sự không?

Căn cứ Điều 293 BLTTHS 2015 quy định về sự vắng mặt của người làm chứng như sau:

  • Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định HOÃN phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
  • Người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải.

Ở đây, BLTTHS 2015 cho phép Hội đồng xét xử được linh hoạt trong việc quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử khi người làm chứng vắng mặt dựa trên việc xem xét tính cần thiếtsự ảnh hưởng của lời khai người làm chứng đến việc làm sáng tỏ vụ án.

Quy định của pháp luật về bảo vệ người làm chứng khi tham gia tố tụng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự vắng mặt của người làm chứng là việc người làm chứng bị xâm hại hoặcbị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm khiến họ cảm thấy lo sợ, không dám đứng ra làm chứng khiến vụ án không được xử lý triệt để.

Do vậy, BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm Chương XXXIV, trong đó có quy định về việc bảo vệ người làm chứng, cụ thể theo quy định tại Điều 487, người làm chứng có quyền:

  • Làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
  • Trực tiếp hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp nhưng sau đó phải có văn bản đề nghị.

Cơ quan điều tra sẽ kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ; nếu thấy cần thiết thì sẽ ra quyết định áp dụng những biện pháp bảo vệ tại Điều 486 BLTTHS 2015 như sau:

  • Bố trí lực lượng, tiến hành biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để canh gác, bảo vệ;
  • Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ;
  • Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
  • Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu họ đồng ý;
  • Ngăn chặn, răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ;
  • Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

các quy định của pháp luật về bảo vệ người làm chứng

Quy định pháp luật về bảo vệ người làm chứng

Vai trò luật sư tư vấn, bào chữa trong các vụ án hình sự

  • Tư vấn các quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự;
  • Tư vấn các quyền lợi và nghĩa vụ các những người tham gia tố tụng hình sự;
  • Tư vấn các giải pháp tốt nhất để bảo vệ khách hàng trong các vụ án hình sự theo đúng quy định pháp luật;
  • Vai trò người được nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự ủy quyền tham gia vụ án;
  • Vai trò người bào chữa đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn tố tụng hình sự, đặc biệt là tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

>>> Xem thêm: CÁCH TIẾP CẬN CHỨNG CỨ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ NHƯ THẾ NÀO?

Trên đây là bài viết tư vấn các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và sự vắng mặt của họ tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Nếu bạn đọc có thắc mắc và muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề khác liên quan đến tố tụng hình sự, hãy liên hệ ngay số HOTLINE: 1900.63.63.87 để được tư vấn luật hình sự kịp thời. Xin cảm ơn.

Chuyên viên pháp lý Tham vấn Luật sư: Hà Ngọc Tuyền - Tác giả: Trần Hạo Nhiên

Trần Hạo Nhiên - Chuyên viên pháp lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn các vấn đề pháp luật về hình sự, đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87