Trình tự, thủ tục giải quyết tố giác tội phạm cần được quan tâm và hiểu rõ trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Nhà nước, bởi lẽ, việc tố giác tội phạm không phải là quyền mà là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Vậy thì thẩm quyền cũng như trình tự thủ tục của việc giải quyết tố giác tội phạm của cơ quan có thẩm quyền như thế nào? Mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ.
Trình tự, thủ tục giải quyết tố giác tội phạm
Mục Lục
Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm
Theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật TTHS năm 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
- Tòa án các cấp;
- Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
- Các cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Đội an ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.
- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
CSPL: Điều 145 BLTTHS 2015
>> Xem thêm: Khi Nào Bị Xử Lý Về Không Tố Giác Tội Phạm?
Tiếp nhận, phân loại và chuyển tố giác tội phạm
Tiếp nhận, phân loại và chuyển tố giác tội phạm
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về việc tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
- Cơ quan điều tra phải trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác về tội phạm, phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác về tội phạm. Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác về tội phạm qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình.
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
- Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Đội An ninh ở Công an cấp huyện) sau khi tiếp nhận tố giác về tội phạm phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
- Viện kiểm sát sau khi tiếp nhận tố giác về tội phạm phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
- Đội An ninh ở Công an cấp huyện khi tiếp nhận tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển tố giác về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
- Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
- Công an xã, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, thông báo và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tố giác về tội phạm. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
- Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
- Tòa án, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác về tội phạm có trách nhiệm chuyển và thông báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại và hình thức khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
- Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch. Nếu có căn cứ xác định tố giác về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
>> Xem thêm: Con Phạm Tội Cha Mẹ Không Tố Giác Có Bị Xử Lý Không?
Trình tự, thủ tục giải quyết tố giác tội phạm
Trường hợp cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc thì cán bộ tiếp nhận phải lập Biên bản tiếp nhận (theo mẫu số 09, ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự), có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết). Trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì vẫn phải tiến hành tiếp nhận theo trình tự, thủ tục và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.
Trường hợp cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến gửi tố giác về tội phạm bằng văn bản thì cán bộ tiếp nhận phải viết Giấy biên nhận (02 bản) theo mẫu số 196 (ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA), một bản kèm theo tố giác về tội phạm, một bản giao cho người gửi tố giác về tội phạm.
Trường hợp tiếp nhận tố giác về tội phạm qua điện thoại thì cán bộ tiếp nhận phải ghi chép vào sổ tiếp nhận đầy đủ các thông tin sau:
- Thời gian tiếp nhận thông tin, họ tên cán bộ tiếp nhận; họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), ngày, tháng, năm, đơn vị cấp của người tố giác, báo tin;
- Thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc;
- Tóm tắt nội dung, diễn biến vụ việc;
- Các thông tin khác có liên quan (nếu có);
- Lý do người tố giác, báo tin biết được vụ việc đó, những ai cùng biết vụ việc đó;
Trường hợp người tố giác từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì cán bộ tiếp nhận vẫn phải tiến hành tiếp nhận và ghi rõ lý do từ chối. Sau đó cán bộ tiếp nhận viết thành văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý.
Trường hợp tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hòm thư điện tử, báo nói, báo hình
- Đối với thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cán bộ được phân công phải tiếp nhận bằng cách sao chụp, ghi chép hoặc in bài viết ra giấy báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý; Đối với thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh trên báo nói, báo hình thì cán bộ tiếp nhận viết thành văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý;
- Tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua hòm thư điện tử thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm in thư ra giấy hoặc viết nội dung đó thành văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý.
Trường hợp tiếp nhận đơn, thư có nội dung liên quan đến tội phạm được gửi qua đường bưu điện, giao liên, thì ngay sau khi tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận phải tiến hành phân loại và báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý hoặc chuyển đến bộ phận, đơn vị có chức năng tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, về tội phạm để tiến hành phân loại, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Trường hợp người dưới 18 tuổi, người nước ngoài, người dân tộc ít người trực tiếp đến tố giác về tội phạm
- Đối với trường hợp người dưới 18 tuổi trực tiếp đến tố giác về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận phải lập biên bản tiếp nhận theo quy định đã nêu ở trên. Trong quá trình làm việc cán bộ tiếp nhận cần chú ý khai thác thông tin về nhân thân, lai lịch, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi và liên lạc mời họ nhanh chóng đến trụ sở làm việc để giám hộ. Trong trường hợp người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp không đến kịp thì mời người chứng kiến hoặc ghi âm, ghi hình có âm thanh (việc ghi âm, ghi hình được ghi rõ vào biên bản và bảo quản theo quy định). Đồng thời khi lấy lời khai cần chú ý đến thái độ, biểu hiện tâm lý của họ để kịp thời có những tác động tích cực nhằm đảm bảo hiệu quả, sau đó báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý;
- Đối với người nước ngoài, người dân tộc ít người trực tiếp đến tố giác tin về tội phạm không nói, viết được ngôn ngữ tiếng Việt thì cán bộ tiếp nhận, căn cứ vào khả năng ngôn ngữ của mình để tiếp nhận hoặc kịp thời báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để ra phương án xử lý.
- Đối với đơn, thư hoặc các hình thức văn bản khác, không ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ của người tố giác hoặc của người gửi đơn, thư nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để kiểm tra, xác minh, thì cán bộ tiếp nhận vẫn tiến hành tiếp nhận, phân loại, xử lý theo quy định.
- Tất cả các trường hợp tiếp nhận tố giác về tội phạm, cán bộ tiếp nhận phải ghi vào sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm theo mẫu số 278 (ban hành theo Thông tư số 61/2017), và phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ đồ vật, tài liệu có liên quan không để hư hỏng thất lạc, không làm thay đổi hình thức, nội dung văn bản tố giác về tội phạm; đóng dấu đến, ghi rõ số, ngày, tháng, năm tiếp nhận và nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu (nếu có) để quản lý, theo dõi. Sau khi hoàn thiện thủ tục tiếp nhận thì đơn vị tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận tiến hành phân loại, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định
Thời hạn giải quyết tố giác tội phạm
Thời hạn giải quyết tố giác tội phạm
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác báo về tội phạm.
Đối với tố giác về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.
Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp xét thấy đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra văn bản thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan đang thụ lý, giải quyết và cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải dừng việc kiểm tra, xác minh, ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác về tội phạm ố của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác về tội phạm nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác về tội phạm ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác về tội phạm là không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Giải quyết tố giác tội phạm
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tố giác về tội phạm sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác về tội phạm.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết, cấp trưởng Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trực tiếp chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết tố giác về tội phạm, phân công Cán bộ điều tra thuộc quyền hoặc ra Quyết định phân công cấp phó trong việc thụ lý, giải quyết tố giác về tội phạm và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tố giác về tội phạm sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cấp trưởng ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Kết thúc quá trình giải quyết tố giác về tội phạm, cơ quan đã thụ lý, giải quyết phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Quyết định tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết việc tố giác tội phạm
Khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
- Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác về tội phạm, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác về tội phạm.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ, viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác về tội phạm. Thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được quyết định huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác về tội phạm ố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Khi có kết quả trưng cầu giám định, kết quả định giá tài sản, kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp hoặc hợp tác quốc tế khác hoặc nhận được các tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác về tội phạm. Thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác về tội phạm, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định phục hồi cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác về tội phạm.
Thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm
Căn cứ theo Điều 14 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác về tội phạm biết.
Khi kết thúc việc giải quyết tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác về tội phạm theo quy định tại các Điều 148, 154, 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác về tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác về tội phạm biết kết quả giải quyết vụ việc.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải gửi quyết định phục hồi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác về tội phạm.
Giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tố giác tội phạm
Căn cứ theo Điều 15 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bị hại
Khi người tố giác, người bị tố giác và người bị hại có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tố giác về tội phạm thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo Điều 16 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC về chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính
Đối với vụ việc tố giác về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan đã ra quyết định phải sao hồ sơ để lưu và chuyển hồ sơ, tài liệu (bản chính), tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan đã giải quyết tố giác về tội phạm chuyển đến. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
>> Xem thêm: Hướng Xử Lý Khi Bị Khởi Tố Tội Không Tố Giác Tội Phạm
Nếu Quý khách hàng đang cần tư vấn vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tố giác tội phạm thì đừng ngần ngại liên hệ với Luật sư hình sự qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh nhất có thể nhé. Thông qua tổng đài 1900.63.63.87, hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khac nhau. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những tư vấn luật hình sự từ những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc. Xin cám ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.