Trong pháp luật hợp đồng, quy định về căn cứ xác định thiệt hại khi đối tác giao hàng chậm là bước đầu tiên để xác định trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù tổn thất cho bên bị thiệt hại. Bài viết sau đây của Luật sư Hợp đồng Long Phan PMT sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính xác và đầy đủ nhất.
Căn cứ xác định thiệt hại khi đối tác giao hàng chậm
Để xác định thiệt hại khi đối tác giao hàng chậm, cần phải căn cứ vào các yếu tố dưới đây:
Mục Lục
Có hành vi vi phạm nghĩa vụ về thời hạn giao hàng trong hợp đồng
Đầu tiên, để xác định thiệt hại khi đối tác giao hàng chậm so với thỏa thuận hợp đồng là phải xác định được 2 yếu tố:
- Có sự tồn tại hợp đồng
- Có sự tồn tại nghĩa vụ về thời hạn giao hàng trong hợp đồng
- Có hành vi vi phạm nghĩa vụ về thời hạn giao hàng.
Hành vi vi phạm nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đó. Khi giao kết hợp đồng, thời gian giao hàng là một trong những chi tiết các bên phải thỏa thuận rõ ràng. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giao hàng trong một thời hạn hay tại một thời điểm. Thời hạn giao hàng là một khoảng thời gian được ấn định cụ thể mà bên bán có quyền giao hàng bất kỳ lúc nào trong thời hạn đó mà không bị coi là vi phạm hợp đồng, và bên bán phải có nghĩa vụ nhận hàng.
Liên quan đến vi phạm nghĩa vụ về thời hạn giao hàng, căn cứ vào quy định tại Điều 434 Bộ luật Dân sự 2015 và tại Điều 37 của Luật Thương mại 2005, có thể hiểu cụ thể như sau:
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thời hạn giao hàng trong hợp đồng
Trong trường hợp có thỏa thuận về thời điểm giao hàng, bên bán có nghĩa vụ phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
Theo đó, khi đối tác giao hàng sau thời hạn hoặc thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng sẽ cấu thành hành vi giao hàng chậm. Hành vi này được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên bán. Nếu hết thời hạn giao hàng thì bên bán sẽ bị xem là đã vi phạm hợp đồng và bên mua có quyền từ chối việc nhận hàng, thanh toán. Theo đó, hợp đồng không thể được tiếp tục thực hiện trên thực tế nếu không có sự thỏa thuận khác từ hai bên. Các hướng giải quyết cho bên mua khi có tranh chấp hợp đồng vi phạm thời hạn giao hàng:
- Buộc thực hiện đúng theo hợp đồng (Điều 297 Luật Thương mại 2005).
- Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 311 Luật Thương mại 2005).
- Hủy bỏ hợp đồng (Điều 312, 313 Luật Thương mại 2005).
>> Xem thêm: Cách xác định thiệt hại khi đối tác vi phạm hợp đồng thương mại
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thời hạn giao hàng rõ ràng trong hợp đồng
Nếu trong hợp đồng các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn và thời điểm giao hàng, thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng và cần thông báo trước cho bên mua.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm “thời hạn hợp lý” là trong bao nhiêu lâu. Do đó, tùy từng trường hợp, thời hạn giao hàng hợp lý sẽ được xác định cụ thể dựa trên tính chất hàng hóa, tính chất hợp đồng,…
Tương tự trường hợp trên, nếu đối tác không giao hàng trong khoảng thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng và không thông báo trước cho bên mua thì được xem là giao hàng chậm và phải chịu trách nhiệm dân sự.
Có thiệt hại xảy ra trên thực tế
Thiệt hại phải xảy ra trên thực tế mới được bồi thường
Yếu tố thứ hai khi xác định thiệt hại trong trường hợp đối tác giao hàng chậm, cần phải xác định thiệt hại xảy ra trên thực tế và các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thiệt hại trên thực tế sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố dưới đây:
Thiệt hại trực tiếp từ hàng hóa là đối tượng hợp đồng
Trước hết, căn cứ theo Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005, thiệt hại cần xác định là thiệt hại trực tiếp từ hàng hóa là đối tượng của hợp đồng. Việc giao hàng không đúng thời hạn sẽ gây ra những thiệt hại trực tiếp đáng kể, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và tiến độ làm việc của người bị vi phạm và bên thứ ba liên quan nếu là mặt hàng thiết yếu dùng trong sản xuất, kinh doanh,…
Đối với các đơn hàng như bưu phẩm, hợp đồng, văn bản cần ký kết, thư mời, hàng công trình, hàng hóa đã ký kết hợp đồng giữa người gửi và người nhận, hàng hóa tươi sống, dễ hư hỏng, hao hụt nếu vận chuyển dài ngày,… thì tổn thất xảy ra càng lớn. Bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh tổn thất, thiệt hại mà mình phải chịu khi bên đối tác vi phạm hợp đồng do giao hàng chậm và số tiền bồi thường tổn thất thường được thỏa thuận giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm.
Khoản lợi tức lẽ ra có được từ hợp đồng
Khoản lợi tức lẽ ra có được từ hợp đồng là khoản tiền được xác định là khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không bị vi phạm hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp này, khoản lợi mà bên bị vi phạm đáng được hưởng nếu đối tác giao hàng đúng thời hạn cũng được tính vào thiệt hại xảy ra trên thực tế để xác định thiệt hại.
Tuy nhiên, để được bồi thường, bên bị vi phạm phải cung cấp được chứng cứ về khoản lợi này và, trong trường hợp không đưa ra được chứng cứ chứng minh, yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp nhận. Nói cách khác, khi bị vi phạm, doanh nghiệp phải chủ động trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh khoản lợi mà mình đáng ra được hưởng nếu đối tác không vi phạm hợp đồng. Nếu không cung cấp được chứng cứ chứng minh, yêu cầu bồi thường của doanh nghiệp sẽ không được chấp nhận cho dù có đủ cơ sở để khẳng định đối tác không thực hiện đúng hợp đồng.
Chi phí khắc phục thiệt hại từ hành vi vi phạm hợp đồng
Khi hợp đồng thương mại bị vi phạm do giao hàng chậm và có thiệt hại phát sinh, pháp luật quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại tại Điều 305 Luật Thương mại 2005 như sau:
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Và theo Bộ luật Dân sự, nếu bên bị vi phạm đã bỏ ra chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chịu trách nhiệm bù đắp những chi phí này. Có nghĩa là, chi phí hợp lý mà bên bị thiệt hại bỏ ra để khắc phục hậu quả của hành vi giao hàng chậm của đối tác được tính vào thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Lãi chậm trả đối với khoản bồi thường
Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 306 Luật Thương mại 2005 nêu lên nguyên tắc: trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Vì vậy, trong trường hợp bên vi phạm có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên còn lại do vi phạm nghĩa vụ giao hàng nhưng chậm trả tiền thì phải chịu thêm lãi chậm trả. Số tiền lãi trên khoản tiền chậm trả luôn được tính là một khoản bồi thường mà người có quyền không phải chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra. Tiền luôn được coi là tài sản sinh lợi, vì vậy bên có quyền được hưởng tiền lãi chậm trả để bù đắp khoản sinh lợi lẽ ra được hưởng trong thời gian chậm trả đó.
>> Xem thêm: Cách tính mức bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng
Mối quan hệ trực tiếp từ hành vi vi phạm và thiệt hại
Đây là yếu tố thứ ba, điều kiện về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra, theo đó bên bị vi phạm phải chứng minh thiệt hại xảy ra xuất phát trực tiếp từ nguyên nhân là hành vi vi phạm. Vì vậy, các loại thiệt hại gián tiếp (thiệt hại nằm ngoài việc thực hiện hợp đồng hoặc quá xa với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng) sẽ không được xem đến khi tính toán mức bồi thường.
Điều 305 Luật Thương mại quy định bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Do đó, để yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh được hành vi giao hàng chậm của bên kia là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Đồng thời cũng phải chứng minh đã áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất.
Yếu tố lỗi khi xảy ra vi phạm từ đối tác
Khi xem xét đến yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự, chỉ có Bộ luật Dân sự quy định điều kiện này còn Luật Thương mại không coi lỗi là căn cứ của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Theo Bộ luật Dân sự, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý và lỗi của người vi phạm nghĩa vụ là lỗi suy đoán. Có nghĩa là về nguyên tắc, bên có quyền chỉ cần chỉ ra hành vi vi phạm của đối tác – hành vi giao hàng chậm mà không phải chứng minh lỗi vì việc chứng minh không có lỗi thuộc trách nhiệm của người vi phạm.
Do đó, muốn miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên vi phạm phải chứng minh được mình không có lỗi hoặc thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm dân sự, cụ thể dưới đây:
Lỗi chủ quan
Đối với trường hợp hành vi giao hàng chậm hoàn toàn do lỗi chủ quan của bên vi phạm, ví dụ như cố tình giao hàng muộn so với thời hạn, không áp dụng các biện pháp hợp lý cần thiết để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, quá tải đơn hàng nhưng không thông báo cho bên kia biết,… mà không chứng minh được mình không có lỗi thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Đối với trường hợp hành vi giao hàng chậm của bên vi phạm hoàn toàn do lỗi chủ quan của bên bị vi phạm, bên vi phạm phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình được miễn trách nhiệm dân sự.
Ngoài ra, theo Điều 294 Luật Thương mại 2005, còn có trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận khi các bên trong hợp đồng trong kinh doanh, thương mại có thỏa thuận về giới hạn trách nhiệm và miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp cụ thể do các bên dự liệu khi giao kết hợp đồng. Thường vi phạm đó là không lớn, bên vi phạm có thể khắc phục được ngay nên không phải chịu chế tài do vi phạm hợp đồng hoặc bên có quyền không yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Lỗi khách quan
Căn cứ Điều 294 Luật Thương mại, bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong kinh doanh, thương mại còn được miễn trách nhiệm khi:
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng
Các trường hợp có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Xảy ra sự kiện bất khả kháng
Một sự kiện được coi là bất khả kháng với tính chất là căn cứ để miễn trách nhiệm hợp đồng phải thỏa mãn các dấu hiệu:
- Sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, sự kiện đó xảy ra hoàn toàn khách quan, không do yếu tố chủ quan của con người
- Sự kiện đó có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
- Sự kiện là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng. Với cách hiểu như vậy, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia,…
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, đối với hợp đồng thương mại có thời hạn cố định về giao hàng, các bên đều có quyền không thực hiện hợp đồng và không bị áp dụng các biện pháp chế tài. Trường hợp hợp đồng thương mại có nội dung thỏa thuận giao hàng trong một thời hạn, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả.
Do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
Nhà nước thay đổi chính sách là một sự kiện độc lập, khách quan trong một số trường hợp làm cho các chủ thể trong hợp đồng không thể biết được khi giao kết hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng trong thực tiễn do điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có sự thay đổi, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa. Khi đó, bên giao hàng phải tuân thủ thực hiện các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến hành vi giao hàng chậm so với thời hạn quy định trong hợp đồng.
Điều kiện khi áp dụng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng
- Bên vi phạm nếu muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng thì phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng theo quy định của pháp luật
- Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra
- Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên kia như chi phí bến bãi, kho hàng và các hoạt động giao nhận hàng khác, đối với nghĩa vụ phát sinh trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan được miễn như đã phân tích nêu trên.
Dịch vụ luật sư giải quyết các vấn đề liên quan đến vi phạm hợp đồng
Tư vấn
- Tư vấn hợp đồng, đặc biệt là điều khoản về vi phạm hợp đồng nói riêng đúng với quy định pháp luật nhằm loại bỏ các rủi ro về trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng
- Tư vấn xác định căn cứ vi phạm hợp đồng và cơ sở pháp lý cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại
- Tư vấn phương án hòa giải, thương lượng giữa các bên trong trường hợp còn khả năng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí
- Tư vấn lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết phù hợp theo thỏa thuận trong hợp đồng
- Tư vấn thu thập tài liệu chứng cứ hỗ trợ quá trình giải quyết tranh chấp
- Tư vấn phương án tố tụng tại cơ quan giải quyết tranh chấp
Soạn thảo đơn từ, văn bản
- Soạn thảo các đơn từ liên quan để kiện đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp cần thiết như đơn khởi kiện, đơn từ liên quan để thu thập tài liệu, chứng cứ, bản tự khai, bản luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng,…
- Soạn thảo các loại hợp đồng theo yêu cầu, đảm bảo triệt tiêu những rủi ro pháp lý có thể sẽ xảy ra cho khách hàng nhằm giải quyết tối ưu quyền lợi khách hàng
- Soạn thảo các văn bản liên quan đến yêu cầu, tranh chấp liên quan đến hành vi vi phạm hợp đồng
Trực tiếp tham gia thực hiện thủ tục, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ
- Nhận ủy quyền, trực tiếp giải quyết tranh chấp phát sinh từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hợp đồng (các hướng giải quyết có thể là thương lượng, thỏa thuận, trên tinh thần hợp tác của các bên hoặc nhờ sự can thiệp của cơ quan tài phán cụ thể là trung tâm trọng tài hoặc khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu quyền và lợi ích của thân chủ bị xâm phạm)
- Giải quyết các vấn đề liên quan đến vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại
- Gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan Trọng tài, tòa án, thi hành án để bảo vệ cho quyền và nghĩa vụ hợp pháp của khách hàng
- Gặp gỡ, đàm phán với bên vi phạm để nắm được tình hình nhằm kịp thời thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng
- Tham gia tranh tụng tại các phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng
>> Xem thêm: Bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu khi nào?
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu về căn cứ xác định thiệt hại khi đối tác giao hàng chậm. Nếu quý khách gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý khi tham gia vào các quan hệ pháp luật hợp đồng hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ Luật sư Hợp đồng, vui lòng liên hệ tới Hotline 1900636387 để được Luật sư hỗ trợ tư vấn kịp thời. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những tư vấn từ những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.