Uỷ quyền được hiểu là cá nhân/tổ chức cho phép cá nhân/tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc cho phép/uỷ quyền đó. Vậy người chưa đủ 18 tuổi có được ủy quyền không? Sau đây, Luật Long Phan xin cung cấp một số thông tin liên quan cụ thể như sau:
Người dưới 18 tuổi có được ủy quyền không?
Mục Lục
Người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 18 tuổi gồm những ai
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm:
- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện.
- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, cha mẹ là đại diện đương nhiên của con chưa đủ 18 tuổi. Nếu con chưa đủ 18 tuổi không còn cha mẹ thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật. Trường hợp không xác định được người đại diện theo pháp luật thì Tòa án sẽ chỉ định.
Những trường hợp ủy quyền trong dân sự
Ủy quyền trong dân sự
Theo quy định pháp luật hiện hành, ủy quyền thực chất là một hình thức đại diện được pháp luật dân sự quy định bên cạnh hình thức đại diện theo pháp luật. Sau đây, Luật Long Phan xin liệt kê một số trường hợp được ủy quyền trong dân sự như sau:
- Cha mẹ ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con: Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Vợ, chồng ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng: Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự: Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Như vậy, pháp luật hiện hành có quy định về độ tuổi có thể làm người đại diện theo ủy quyền nhưng không quy định cụ thể độ tuổi nào được ủy quyền cho người khác.
Những giao dịch dân sự nào cần được người đại diện theo pháp luật đồng ý
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, những giao dịch dân sự sau cần được người đại diện theo pháp luật đồng ý:
Thứ nhất, giao dịch dân sự do người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập thực hiện, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Thứ hai, giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Thứ ba, giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Người chưa đủ 18 tuổi thực hiện ủy quyền như thế nào?
Hình thức ủy quyền
Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại. Ủy quyền thực chất là một giao dịch dân sự.
Cơ chế thực hiện giao dịch dân sự của người chưa đủ 18 tuổi được quy định như sau:
- Người chưa đủ 06 tuổi không tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà người đại diện theo pháp luật sẽ thực hiện.
- Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Trong trường hợp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi hoặc những giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 18 tuổi cần được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật thì đây không phải là thực hiện ủy quyền cho người khác mà là cơ chế đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp người dưới 18 tuổi được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định pháp luật thì những người này có thể ủy quyền cho người khác thực hiện. Việc ủy quyền này có thể bằng lời nói hoặc văn bản.
>> Xem thêm: QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN RIÊNG CỦA CON CHƯA THÀNH NIÊN
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Người chưa đủ 18 tuổi có được ủy quyền không? Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn kịp thời và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.