Hướng Dẫn Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Đang Dùng Thờ Cúng

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã qua đời, tổ tiên, của nhiều dân tộc Châu Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Thông thường các gia đình Việt Nam trong mỗi nhà đều có bàn thờ ông bà, tổ tiên, riêng đối với các gia đình đông con cháu hoặc dòng họ lớn thường có nơi thờ tự riêng. Phần đất đặt nơi thờ tự của gia tộc có giá trị pháp lý như thế nào và khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết ra sao?

Đất đai dùng vào việc thờ cúng được quy định như thế nào?
Đất đai dùng vào việc thờ cúng được quy định như thế nào?

Đất đai dùng vào việc thờ cúng

Nhà thờ hay tại nhiều vùng miền khác nhau ở Việt Nam gọi là Từ đường, là nơi dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên của cả gia tộc. Đây là nơi vào những ngày lễ, giỗ con cháu tụ tập về làm mâm cỗ cúng ông bà, đồng thời gặp mặt các anh em, bằng hữu trong một gia tộc. Các gia tộc lớn thường đầu tư, tích góp công sức, tiền của để xây dựng nhà thờ họ tộc do đó phần đất và tài sản trên đất thường thuộc sở hữu chung, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới hình thức sử dụng chung, có phân công người quản lý sử dụng cụ thể. Vì vậy, phần diện tích đất này thường ít khi xảy ra tranh chấp vì ngay từ đầu đã được xác định rõ ràng về mặt pháp lý.

Còn đối với những dòng họ nhỏ hơn hoặc ở quy mô gia đình, đối với phần đất đai dùng để thờ cúng, có một số trường hợp xảy ra như sau:

  • Thứ nhất, khi một người qua đời có để lại di chúc, trong di chúc có ghi nhận việc để lại một phần đất và nhà ở trên đất thuộc di sản của mình làm nơi thờ cúng theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015).
  • Thứ hai, khi ông bà, cha mẹ qua đời có để lại di chúc nhưng trong đó không ghi nhận việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, mà các đồng thừa kế tự thỏa thuận để lại diện tích đất và nhà ở nhất định để làm nơi thờ cúng, di sản còn lại chia theo di chúc.
  • Thứ ba, khi ông bà, cha mẹ qua đời, không để lại di chúc, di sản thừa kế chia theo pháp luật và các đồng thừa kế tự thỏa thuận với nhau về việc để lại phần diện tích đất và nhà ở nhất định làm nơi thờ cúng.
Các tranh chấp đất đai thờ cúng thường gặp.
Các tranh chấp đất đai thờ cúng thường gặp.

Các tranh chấp thường xảy ra?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà xác định đối tượng tranh chấp trong quan hệ đất đai dùng vào việc thờ cúng và qua đó xác định yêu cầu khởi kiện trong trường hợp các bên khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Sau đây là một số trường hợp tranh chấp phổ biến:

Thứ nhất, khi người chết có di chúc để lại trong đó có quy định về việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng và phần di sản đó là đất hoặc nhà ở gắn liền với đất.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 BLDS 2015 thì khi người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Trong trường hợp này, thông thường xảy ra tranh chấp về việc ai là người trực tiếp quản lý di sản hoặc khi đã có người được chỉ định quản lý di sản nhưng người này không thực hiện đúng việc quản lý, sử dụng theo di chúc thì cũng sẽ xảy ra tranh chấp. Khi đó yêu cầu khởi kiện là việc phân công người quản lý di sản. Cũng có trường hợp người quản lý di sản tự ý xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó các bên có liên quan có thể khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận và xác định lại quyền sử dụng đất, đồng thời đề nghị phân công người quản lý di sản mới.

Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 617, Điều 618 BLDS 2015, cụ thể như sau:

  • Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
  • Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
  • Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế;
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản …

Thứ hai, trong trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc nhưng không để lại di sản dùng vào việc thờ cúng mà các đồng thừa kế theo di chúc tự thỏa thuận với nhau về việc để lại một phần di sản là đất đai dùng vào việc thờ cúng. Hoặc trường hợp không có di chúc, di sản chia theo pháp luật và các đồng thừa kế theo pháp luật tự thỏa thuận với nhau về việc để lại một phần di sản là đất đai dùng vào việc thờ cúng.

Trong trường hợp này, nếu có người thừa kế mới xuất hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 662 BLDS 2015 hoặc trong việc sử dụng phần đất thỏa thuận để lại dùng vào việc thờ cúng mà các bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Khi đó các bên lại muốn đem phần đất đã thỏa thuận để lại dùng vào việc thờ cúng ra chia thừa kế và thường xảy ra tranh chấp thừa kế. Do đó, yêu cầu khởi kiện trong trường hợp này được xác định là việc yêu cầu Tòa án tiến hành chia thừa kế đối với phần đất để lại dùng vào việc thờ cúng.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất thờ cúng
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất thờ cúng

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp?

Cũng như các loại tranh chấp khác về đất đai khi xảy ra tranh chấp đối với đất đai dùng vào việc thờ cúng Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 được giải quyết như sau:

  • Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
  • Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong trường hợp này vì đây là tranh chấp đất đai trong quan hệ thừa kế nên việc hòa giải tại cơ sở không phải là điều kiện khởi kiện.

Thẩm quyền giải quyết được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

  • Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
  • Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Trường hợp các bên tiến hành khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì thẩm quyền thông thường được xác định như sau:

  • Trong trường hợp mà chưa có bên nào tham gia tranh chấp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp và các bên tham gia tranh chấp không có đương sự ở nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.
  • Trong trường hợp có chủ thể tham gia tranh chấp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp và các bên còn lại muốn yêu cầu hủy Giấy chứng nhận hoặc trong tranh chấp có sự tham gia của đương sự ở nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 34, Điểm c Khoản 1 Điều 37, Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất tranh chấp.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý bạn đọc muốn được tư vấn về luật đất đai trực tiếp, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được tư vấn.

Xin cảm ơn!

Scores: 4.43 (7 votes)

Tham vấn Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi - Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn về lĩnh vực hành chính và đất đai. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện, thay mặt làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87