Giải quyết tranh chấp về nhà ở khi ly hôn được quy định như thế nào?

Khi kết hôn mọi người thường tưởng tượng đến viễn cảnh của một gia đình hạnh phúc, với căn nhà và những đứa trẻ. Nhưng không phải hôn nhân lúc nào cũng vui vẻ, êm ấm như mọi người mong muốn. Trên thực tế, qua nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy ở Việt Nam hiện nay cứ có ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn vì nhiều lý do khác nhau. Và khi ly hôn, chính căn nhà và những đứa trẻ mà họ từng ao ước lại trở thành cái mà hai bên tranh chấp với nhau, tất nhiên không phủ nhận những trường hợp ly hôn diễn ra trong yên bình. Nếu có tranh chấp về nhà ở khi ly hôn thì thường sẽ được giải quyết như thế nào?

Ly hôn lựa chọn chia tay và một cuộc sống mới.

Giải quyết tranh chấp về mặt tố tụng

Trong trường hợp khi vợ chồng ly hôn mà có tranh chấp về nhà ở, tùy thuộc vào tính chất tranh chấp hai bên có thể khởi kiện và đưa ra các yêu cầu đề nghị Tòa án xem xét giải quyết. Tranh chấp về nhà ở khi ly hôn thông thường có các trường hợp phổ biến như sau:

  • Mỗi bên đều có ý kiến cho rằng đó là tài sản riêng và trong Đơn ly hôn có đưa ra yêu cầu về việc đây là tài sản riêng của mình;
  • Hai bên thừa nhận nhà ở là tài sản chung, nhưng có tranh chấp và trong Đơn ly hôn có yêu cầu Tòa án chia theo quy định pháp luật;
  • Trường hợp nhà ở là tài sản chung của vợ chồng với gia đình (gia đình chồng hoặc gia đình vợ) và khi ly hôn thì xảy ra tranh chấp và có yêu cầu chia nhà ở này trong Đơn ly hôn.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các bên đưa ra yêu cầu cụ thể trong Đơn ly hôn, chia theo tỷ lệ bao nhiêu, giá trị cụ thể là bao nhiêu, công sức đóng góp như thế nào, bán nhà ở chia bằng tiền hay chia bằng hiện vật, ai là người lấy lại căn nhà và đền bù số tiền chênh lệch,…

Khi có Đơn khởi kiện ly hôn, bên nộp đơn cần lưu ý đến vấn đề nộp tiền Tạm ứng án phí để đáp ứng điều kiện Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Bộ luật TTDS 2015), thì nguyên đơn (người khởi kiện) là người có nghĩa vụ nộp tiền Tạm ứng án phí. Tranh chấp nhà ở là tranh chấp tài sản có giá trị thành tiền được, vì vậy cần tạm tính giá trị yêu cầu chia để tạm tính án phí phải nộp cho Tòa án (tiền Tạm ứng án phí). Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

Án phí sơ thẩm đối với vụ án ly hôn theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết này là 300.000 đồng. Ngoài ra, vì có tranh chấp nhà ở có giá trị thành tiền được nên phải nộp án phí có giá ngạch theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết này, căn cứ theo giá trị tài sản:

  • Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
  • Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp
  • Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  • Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
  • Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
  • Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Mua nhà đã tốn tiền nay chia nhà là phải tốn án phí.

Xác định nhà ở là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng?

Tùy từng trường hợp cụ thể trên thực tế mà xác định nhà ở hai bên đang tranh chấp là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì nhà ở thuộc sở hữu chung vợ chồng thuộc các trường hợp sau:

  • Nhà ở do hai vợ chồng cùng góp công sức, tiền của tạo dựng trước thời kỳ hôn nhân;
  • Nhà ở do hai vợ chồng tạo dựng chung trong thời kỳ hôn nhân;
  • Nhà ở mà hai vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung trong thời kỳ hôn nhân;
  • Nhà ở mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì nhà ở thuộc sở hữu riêng vợ chồng thuộc các trường hợp sau:

  • Nhà ở mà mỗi người có trước thời kỳ hôn nhân (tạo dựng độc lập);
  • Nhà ở được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Nhà ở được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân nhưng từ tài sản riêng của mỗi người;
  • Nhà ở mà vợ chồng được sở hữu riêng từ bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014 nếu nhà ở đang tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng thì được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Trong nhiều gia đình người phụ nữ chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, còn người chồng là lao động chính, có công việc, có thu nhập, nuôi sống gia đình. Và dù trong trường hợp đó, tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng vẫn được chia theo nguyên tắc chia đôi có tính đến công sức đóng góp theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: “Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.” Nhà ở là tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận nhà ở đó thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Ngoài ra, nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

“Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.”

Có nên tìm đến hỗ trợ về mặt pháp lý khi có tranh chấp nhà ở?

Trong trường hợp nhà ở tranh chấp có giá trị lớn hoặc tính chất tranh chấp có nhiều vấn đề phức tạp các bên tranh chấp nên tìm đến sự tư vấn và trợ giúp pháp lý của các Luật sư tư vấn đất đai có am hiểu về chuyên môn pháp lý và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp để đạt được kết quả tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, tranh chấp tài sản khi ly hôn, Công ty Luật Long Phan PMT chúng tôi chuyên cung cấp một số dịch vụ cho Quý khách hàng như sau:

Thứ nhất, Tư vấn Pháp luật về Hôn nhân – Gia đình

  • Tư vấn thủ tục ly hôn, ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài
  • Tư vấn các căn cứ cho ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật
  • Tư vấn nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn và thủ tục chia tài sản
  • Tư vấn thủ tục xác nhận tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Thứ hai, Tư vấn giải quyết ly hôn nhanh

Thứ ba, Tham gia giải quyết tranh chấp

  • Tranh chấp chia tài sản khi ly hôn
  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 0908 748 368, để được tư vấn.

Xin cảm ơn!

Scores: 4.63 (8 votes)

Tham vấn Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi - Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn về lĩnh vực hành chính và đất đai. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện, thay mặt làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87