Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp như thế nào?

Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp cần phải tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và pháp luật doanh nghiệp. Khi ly hôn, vợ chồng cần thỏa thuận việc chia tài sản là vốn góp doanh nghiệp hoặc yêu cầu Tòa án phân chia để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi, Quý khách nên tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn. Bài viết sau đây Luật Long Phan PMT sẽ thông tin cụ thể về chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty.

Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp
Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp

Xác định giá trị phần vốn góp là tài sản chung

Giá trị phần vốn góp trong công ty có thể xác định dưới hình thức:

  • Tiền: Việt Nam đồng, ngoại tệ, vàng. 
  • Máy móc, thiết bị, hàng hóa … các tài sản là hiện vật. 
  • Giá trị quyền tài sản: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí kĩ thuật.
  • Các tài sản khác có thể định giá được góp vào công ty. 
  • Quyền quản lý: Vai trò điều hành, quyền biểu quyết, quyền lợi cổ đông hoặc thành viên công ty.

Căn cứ xác định giá trị phần vốn góp nêu trên là tài sản chung vợ chồng cần căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, giá trị phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng khi:

  • Nguồn gốc phần vốn góp từ tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do  vợ chồng: Tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
  • Vợ chồng có công sức đóng góp, quản lý trong hoạt động kinh doanh: Phần giá trị được tôn tạo, lợi nhuận từ phần vốn góp,.. được xác định là tài sản chung vợ đồng. 
  • Vợ chồng thỏa thuận phần vốn góp trong công ty là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. 

Thỏa thuận phân chia tài sản giá trị phần vốn góp trong công ty

Trong thời kỳ hôn nhân hay khi ly hôn thì vợ chồng đều có quyền thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng. Việc thỏa thuận cần lập thành văn bản có chữ ký vợ chồng. Văn bản thỏa thuận này có thể công chứng/ chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý. Nội dung thỏa thuận cần xác định rõ các vấn đề:

  • Xác định phần vốn góp là tài sản chung: Nêu rõ số tiền, tài sản hoặc tỷ lệ góp vốn thuộc tài sản chung.
  • Tỷ lệ phân chia: Có thể chia đôi (50/50) hoặc chia theo thỏa thuận khác (ví dụ: 60/40, 70/30…), căn cứ vào công sức đóng góp, hoàn cảnh mỗi bên.
  • Hình thức chia: Một bên giữ phần vốn góp, bên còn lại nhận tiền tương đương với phần được chia; Cả hai bên cùng trở thành thành viên/cổ đông của công ty với tỷ lệ vốn tương ứng.

Ngoài việc tuân thủ quy định Luật Hôn nhân và gia đình thì thỏa thuận phân chia giá trị phần vốn góp cần đảm bảo quy định Luật Doanh nghiệp. 

>> Xem thêm: Cách giải quyết tranh chấp tài sản trong công ty khi ly hôn

Khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền phân chia giá trị phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng

Khi vợ chồng không thể tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung là phần vốn góp trong doanh nghiệp, việc khởi kiện ra Tòa án là giải pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi. Để thực hiện thủ tục này, người khởi kiện cần nắm rõ các quy định về thẩm quyền của Tòa án, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện, tuân thủ quy trình thụ lý vụ án và biết được khung thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền giải quyết

Yêu cầu phân chia tài sản chung vợ chồng là phần vốn góp là tranh chấp chia tài sản hôn nhân. Vì vậy, căn cứ Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp tài sản chung vợ chồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Căn cứ Điều 35 và 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sửa đổi 2025 thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân khu vực nơi bị đơn cư trú giải quyết. 

Vì vậy, vợ/ chồng khởi kiện chia tài sản chung là giá trị phần vốn góp thì khởi kiện tại Tòa án nhân dân khu vực nơi bị đơn cư trú, làm việc. 

Thành phần hồ sơ khởi kiện

Vợ/ chồng khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu 23 – DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP.
  • Giấy chứng nhận kết hôn; quyết định hoặc bản án ly hôn (trường hợp yêu cầu chia tài sản sau ly hôn). 
  • Giấy chứng minh nhân dân của người khởi kiện. 
  • Giấy tờ pháp lý của giá trị phần vốn góp: Giấy chứng nhận phần vốn góp, Sổ cổ đông, Sổ đăng ký thành viên …
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc tài sản góp vốn, công sức đóng góp,…tài liệu khác có liên quan. 

Thụ lý vụ án

Sau khi nhận được hồ sơ khởi kiện, Chánh án tòa phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Thẩm phán xem xét đơn trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công và quyết định xử lý đơn. 

Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết thì Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí. Trừ trường hợp người khởi kiện được miễn tạm ứng theo Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì không phải thực hiện thủ tục này. 

Căn cứ thông báo của tòa, người khởi kiện có thời hạn 7 ngày để nộp biên lai nộp tạm ứng án phí cho tòa. Sau khi nhận được biên lai, tòa án ra thông báo thụ lý vụ án. 

Cơ sở pháp lý: Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. 

Thời gian giải quyết sơ thẩm vụ án

Giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp tài sản vợ chồng là 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trường hợp gia hạn thì thời gian gia hạn không quá 2 tháng. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án nghiên cứu, thu thập và xác minh tài liệu chứng cứ vụ án. 

Về thời gian mở phiên tòa: trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời gian này có thể lên đến 2 tháng. 

Thời gian chuẩn bị xét xử và mở phiên tòa sơ thẩm được quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Tuy nhiên, thực tế xét xử thời gian này có thể lâu hơn vì Tòa án có thể tạm đình chỉ để thu thập tài liệu chứng cứ. 

Khởi kiện chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp
Khởi kiện chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp

Căn cứ tòa án xem xét giải quyết tranh chấp giá trị phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng

Khi không thể thỏa thuận được việc phân chia phần vốn góp là tài sản chung, Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Việc Tòa án chia tài sản chung là vốn góp sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để đảm bảo tính công bằng, hợp lý và không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả định giá/thẩm định giá

Tài sản góp vốn có thể là tiền hoặc tài sản khác có thể định giá bằng tiền. Đồng thời, giá trị tài sản góp vốn sẽ có sự thay đổi so với giá trị góp ban đầu và tại thời điểm tranh chấp. Vì vậy, giải quyết tranh chấp tài sản là phần vốn góp cần tiến hành định giá hoặc thẩm định giá để xác định giá trị tại thời điểm tranh chấp. 

Đương sự có quyền thỏa thuận về giá trị tài sản tranh chấp. Trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án tiến hành định giá hoặc thẩm định giá tài sản. Kết quả định giá/ thẩm định giá tài sản là chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét giải quyết vụ án. Căn cứ kết quả định giá/ thẩm định giá Tòa án:

  • Xác định giá trị thực tế của phần vốn góp mà vợ hoặc chồng đang nắm giữ tại thời điểm ly hôn;
  • Làm cơ sở chia tài sản giữa hai bên theo nguyên tắc công bằng;
  • Đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, tránh việc định giá thấp hoặc cao bất thường dẫn đến thiệt hại;
  • Làm căn cứ để Tòa án quyết định chia theo giá trị hay hiện vật.

Cơ sở pháp lý: Điều 93, 94, 95, 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. 

>> Xem thêm: Nên định giá hay thẩm định giá tài sản tranh chấp tại tòa 

Nguyên tắc phân chia giá trị vốn góp là tài sản chung vợ chồng

Tòa án áp dụng nguyên tắc chia đôi có tính đến các yếu tố về hoàn cảnh, lỗi của các bên theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Tòa sẽ chia đôi giá trị tài sản chung là phần vốn góp giữa vợ và chồng, không phụ thuộc ai đứng tên doanh nghiệp, trừ khi có thỏa thuận khác. 

Các yếu tố cần xem xét khi phân chia phần giá trị vốn góp của vợ chồng:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Việc phân chia phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng có thể theo giá trị hoặc hiện vật. Trường hợp phân chia vợ, chồng đều nhận phần vốn góp để trở thành thành viên công ty thì cần tuân thủ tuyệt đối Luật Doanh nghiệp. Điều này nhằm trách làm xáo trộn cấu trúc, mô hình doanh nghiệp, thành viên khác trong công ty cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. 

Câu hỏi thường gặp chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty.

Khi nào phần vốn góp trong công ty không được xem là tài sản chung của vợ chồng?

Phần vốn góp không được xem là tài sản chung nếu được hình thành từ tài sản riêng của một bên trước hôn nhân, được tặng cho riêng, hoặc thừa kế riêng theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nếu bên còn lại không có đóng góp nào trong việc duy trì hoặc phát triển giá trị phần vốn này, thì phần tài sản đó vẫn thuộc sở hữu riêng.

Việc chuyển nhượng phần vốn góp sau khi chia tài sản cần thực hiện thế nào?

Sau khi chia tài sản, nếu một bên muốn chuyển nhượng phần vốn góp cho bên còn lại thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Vợ hoặc chồng có thể yêu cầu chia phần vốn góp ngay trong thời kỳ hôn nhân không?

Theo Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trong đó có thể bao gồm phần vốn góp, miễn là thỏa thuận này không nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba.

Tòa án có buộc các bên phải trở thành thành viên/cổ đông không?

Tòa án không buộc các bên phải trở thành thành viên/cổ đông. Nếu chia theo hiện vật là phần vốn góp thì các bên phải đáp ứng điều kiện của Luật Doanh nghiệp. Nếu không, Tòa sẽ chia bằng giá trị tương ứng bằng tiền để bảo vệ quyền lợi đôi bên.

Vợ/chồng không tham gia điều hành công ty có được chia phần vốn góp không?

Dù không trực tiếp điều hành công ty, nếu phần vốn góp hình thành trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản chung thì vẫn là tài sản chung. Người không điều hành vẫn có quyền được chia phần giá trị tương ứng theo quy định pháp luật.

Luật sư tư vấn chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp

Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ pháp lý giải quyết phân chia vốn góp là tài sản chung vợ chồng:

  • Tư vấn các cách thức chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
  • Tư vấn các điều kiện để phát sinh hiệu lực của thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng.
  • Tư vấn hình thức của thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng.
  • Tư vấn nội dung cần phải có trong thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng.
  • Tư vấn thủ tục công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận.
  • Tư vấn các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng vô hiệu. 
  • Tư vấn thủ tục khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn, sau ly hôn .
  • Tư vấn nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
  • Tư vấn thủ tục chuyển phần vốn góp sang cho vợ hoặc chồng.
  • Tư vấn các quy định pháp luật doanh nghiệp về thủ tục, hồ sơ khi vợ chồng phân chia vốn góp.
  • Đại diện tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi đương sự.
Tư vấn chia phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng
Tư vấn chia phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng

Kết luận

Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty cần tuân theo quy định pháp luật. Khi ly hôn, vợ chồng tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản này trong trường hợp không thể tự thỏa thuận được. Hãy liên hệ Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn chi tiết về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến phần vốn góp trong công ty khi chia tài sản chung.

Tags: , , , , ,

Nguyễn Thu Hương

Luật sư Nguyễn Thu Hương thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội - hiện đang là Luật sư Cộng sự tại Luật Long Phan PMT. Với hơn 10 năm hoạt động, Luật sư Hương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật khác nhau như Dân sự, Doanh nghiệp, Đất đai, Thương mại, Lao động, hôn nhân gia đình, v.v.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  Miễn Phí: 1900.63.63.87