Cách xử lý khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi qua là một trường hợp không hiếm gặp khi ngày càng các tranh chấp về lối đi càng phổ biến. Việc hàng xóm mở lối đi qua đất của Quý khách mà không có sự đồng ý vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp. Bài viết sau sẽ phân tích chi tiết và định hướng cho Quý khách hướng xử lý khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi qua.

Xác định quyền yêu cầu khi hàng xóm tự mở lối đi
Luật Đất đai 2024 quy định rõ quyền của chủ sử dụng đất khi bị xâm phạm bởi việc tự ý mở lối. Theo quy định tại Điều 29 Luật Đất đai 2024, quyền mở lối đi là quyền của chủ sử dụng đất đối với thửa đất liền kề và được xác lập theo quy định của pháp luật dân sự.
Trường hợp họ đã có một lối đi khác
Khi các bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác, tuy nhiên đã có lối đi ra đường công cộng mà lại có hành vi tự ý mở lối đi xâm phạm đến bất động sản khác thì chủ bất động sản bị xâm phạm quyền sở hữu có quyền:
- Yêu cầu chấm dứt việc sử dụng đất trái phép để tự ý mở lối đi;
- Buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với bất động sản bị xâm phạm quyền sở hữu.
Theo Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu là biện pháp khắc phục hậu quả được quy định độc lập so với biện pháp phá dỡ công trình, phân công trình xây dựng có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép.
Trường hợp họ không có lối đi nào khác
Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có hoặc không có đủ lối đi ra đường công cộng thì họ có quyền yêu cầu chủ các bất động sản liền kề dành cho lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù một khoản tiền tương đương với giá trị thị trường cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ khi có thỏa thuận.
Do đó, khi hàng xóm mở lối đi ra mà không họ không có lối đi nào khác thì Quý khách có quyền yêu cầu hàng xóm bồi thường một khoản tiền tương đương với giá trị chuyển nhượng trên thị trường tại thời điểm thực hiện hành vi của phần đất đã tự ý mở lối đi cho chủ sở hữu bất động sản liền kề.

Quy trình cách xử lý khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi qua
Việc hàng xóm tự ý mở lối đi qua phần đất thuộc quyền sử dụng của mình là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng. Pháp luật đã quy định một quy trình rõ ràng về cách xử lý khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Quy trình này bao gồm hai giai đoạn chính: hòa giải tại cơ sở và khởi kiện tại Tòa án. Việc tuân thủ đúng trình tự pháp lý là yếu tố then chốt để giải quyết dứt điểm tranh chấp.
Hòa giải cơ sở tại UBND cấp xã nơi có đất
Hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp đất đai bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại Điều 235 Luật Đất đai 2024. Ngoài ra, đây là điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp trong trường hợp Quý khách khởi kiện tại Tòa theo khoản 2 Điều 3 Nghị 04/2017/NQ-HĐTP thì việc không hòa giải tranh chấp đất đai là một trong các căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện do chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Thứ nhất, về quy trình hòa giải
Quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã được quy định theo Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/7/2024, gồm các bước:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu hòa giải tại địa phương
Khi không thể thương lượng được với hàng xóm, Quý khách cần thực hiện ngay thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nơi có thửa đất liền kề. Khi đó, Quý khách cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:
- Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai trình bày rõ nội dung tranh chấp, việc không thể thương lượng, tự hòa giải với nhau nên buộc phải tổ chức hòa giải tại địa phương và yêu cầu giải quyết;
- Tài liệu đính kèm đơn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền đất, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, các giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất.
Bước 2: Chuẩn bị trước hòa giải
Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai trong thời hạn 03 ngày, trường hợp không thụ lý phải trả lời bằng văn bản;
- Thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời người đại diện cộng đồng dân cư, người có uy tín trong dòng họ ở nơi sinh sống, nơi làm việc như trưởng thôn, làng, tổ dân phố do cư dân thỏa thuận cử ra; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc, công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã; đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã; cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
Bước 3: Tổ chức cuộc họp hòa giải
- Tổ chức cuộc họp hòa giải với thành phần gồm: các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Ngoài ra, việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Bước 4: Lập biên bản hòa giải
- Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định;
- Nếu hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Thứ hai, về thời hạn hòa giải
Theo điểm c khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.
Thứ ba, về việc ban hành kết quả hòa giải
Theo khoản 2 Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/7/2024, kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản bao gồm các nội dung:
- Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải;
- Thành phần tham dự hòa giải;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện nguồn gốc, thời điểm điểm sử dụng đất tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp;
- Ý kiến Hội đồng hòa giải;
- Nội dung các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch hội đồng hòa giải, các bên tranh chấp, đóng dấu của UBND xã, lưu tại UBND xã và gửi cho các bên tranh chấp. Đây là một trong các tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ khởi kiện tranh chấp lối đi tại Tòa án. Do đó, Quý khách cần lưu ý kiểm tra kỹ các thông tin về nội dung không được thống nhất, thành phần tham gia hòa giải để tránh việc bị trả đơn làm mất thời gian của Quý khách.
Khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền khi hàng xóm tự ý mở lối đi qua
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định nếu tranh chấp liên quan đến ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất thì sẽ được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015. Do đó, sau khi hòa giải không thành Quý khách mới đủ điều kiện để thực hiện thủ tục khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Thẩm quyền của Tòa án
Theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) thì tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Ngoài ra, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại điểm c khoản 1, Điều 39 BLTTDS 2015. Như vậy, Tòa án thụ lý sẽ là Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Từ ngày 01/7/2025, hệ thống Tòa án nhân dân có sự thay đổi. Theo đó, căn cứ Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP, Tòa án nhân dân khu vực nơi có đất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mở lối đi qua.
Đơn và thành phần hồ sơ
Theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015, người khởi kiện phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 13/01/2017;
- Biên bản hòa giải không thành tại UBND xã;
- Biên bản kiểm tra, làm việc về hiện trạng đất tranh chấp;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ địa chính;
- Chứng cứ chứng minh việc hàng xóm tự ý mở lối đi qua đất của mình bao gồm ảnh chụp hiện trạng, lời khai của nhân chứng, biên bản làm việc với chính quyền địa phương.
Thủ tục thụ lý
Thủ tục thụ lý vụ án dân sự là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Sau đây là quy trình thụ lý một vụ án thông thường tại Tòa án:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Quý khách có thể nộp hồ sơ khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí theo Nghị quyết 326/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ quốc hội ngày 30/12/2016 thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 4: Tiến hành giải quyết theo thủ tục thông thường
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý thì Thẩm phán sẽ gửi thông báo thụ lý cho các bên đương sự để họ gửi bản ý kiến, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập theo khoản 1 Điều 196 BLTTDS 2015. Sau khi thụ lý Tòa án sẽ tiền hành tổ chức phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải và ra quyết định đưa vụ án ra xứ sơ thẩm.
Có thể thấy, việc thực hiện đúng và đầy đủ trình tự thụ lý vụ án theo quy định pháp luật không chỉ giúp quá trình xét xử được tiến hành thuận lợi mà còn đảm bảo quyền tiếp cận công lý của các bên liên quan.
Thời hạn giải quyết
Thời hạn dành cho công tác chuẩn bị xét xử là 04 tháng theo điểm a khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, nếu việc tự ý mở lối đi có tính chất phức tạp thì Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử là không quá 02 tháng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, các bên trong tranh chấp có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án. Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc tính từ ngày nhận được bản án đối với trường hợp đương sự không có mặt tại Tòa.
>>> Xem thêm: Mẫu đơn tranh chấp lối đi chung được cập nhật mới nhất

Các căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi qua
Khi phát sinh tranh chấp lối đi chung, việc xác định đầy đủ và chính xác các căn cứ pháp lý là điều kiện tiên quyết để Tòa án đưa ra phán quyết công bằng, đúng quy định. Mỗi căn cứ đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ bản chất quan hệ tranh chấp và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
Nguồn gốc tạo lập
Khi giải quyết tranh chấp lối đi chung, việc xác định nguồn gốc tạo lập phần đất có lối đi là yếu tố then chốt. Đây là căn cứ để xác định rõ tranh chấp là về lối đi qua bất động sản liền kề hay tranh chấp quyền sử dụng đất. Nếu làm rõ được nguồn gốc đất, Tòa án sẽ có cơ sở xác định đúng bản chất pháp lý của lối đi, từ đó đưa ra quyết định phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Để xác định nguồn gốc tạo đường đi chung, Tòa án thông thường dựa vào các cơ sở như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các bên liên quan, bản đồ địa chính, tài liệu đo vẽ, mục đích sử dụng đất, vác thỏa thuận về việc sử dụng đường đi chung (nếu có).
Như vậy, việc xác định rõ nguồn gốc tạo lập phần đất có lối đi chung là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Tòa án phân định đúng loại tranh chấp và giải quyết một cách khách quan, đúng quy định.
Quá trình sử dụng
Quá trình sử dụng lối đi chung là cũng là một trong các căn cứ để giải quyết tranh chấp. Tòa án sẽ xem xét thời gian sử dụng thực tế và tập quán tại địa phương để đánh giá việc sử dụng có ổn định, liên tục, công khai hay không. Từ đó xác định quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Do đó, Tòa án hường đánh giá các yếu tố sau:
- Thời gian sử dụng lối đi chung;
- Tính liên tục trong việc sử dụng lối đi.
Có thể thấy, việc làm rõ quá trình sử dụng lối đi chung không chỉ giúp Tòa án xác định đúng bản chất tranh chấp mà còn góp phần bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp đã hình thành trong thực tế.
Hiện trạng sử dụng
Hiện trạng sử dụng lối đi chung tại thời điểm tranh chấp là căn cứ để Tòa án đánh giá mức độ cần thiết của lối đi và quyết định phân chia lối đi cho hợp lý với hiện trạng sử dụng. Khi đó Tòa án sẽ xác định lối đi có đang được sử dụng ổn định, có ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của các bên hay không, từ đó đưa ra phương án giải quyết phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho các bên tranh chấp. Trong quá trình đánh giá hiện trạng sử dụng lối đi chung, Tòa án thông thường sẽ xem xét:
- Bản đồ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất;
- Hiện trạng về quyền có lối đi của các bên đương sự trong vụ án;
- Giá trị phần đất tranh chấp trong trường hợp xác định phần đất này đăng ký và được công nhận quyền sử dụng của một trong các đương sự;
- Tình trạng vật lý của đường;
- Mức độ phụ thuộc của các bên vào đường đi;
- Xác định hiện trạng của bất động sản bị vây bọc có thực sự chỉ có 1 lối đi duy nhất đang tranh chấp, hay còn có lối đi nào khác.
Lưu ý: Trong quá trình giải quyết việc xem xét thẩm định tại chỗ, đo vẽ, xác định giá trị (thẩm định giá/định giá) có thể phát sinh thêm chi phí tố tụng mà đương sự phải chi trả. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất tại Điều 7 Pháp lệnh chi phí tố tụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), một số trường hợp được miễn tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tạm ứng chi phí giám định, thẩm định tại chỗ như trẻ em, cá nhân thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, …
Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp về lối đi chung
Khi phát sinh tranh chấp về lối đi chung, việc tìm đến sự hỗ trợ của luật sư là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ quyền lợi và đảm bảo quá trình giải quyết diễn ra đúng pháp luật. Dịch vụ luật sư tư vấn tịa Luật Long Phan PMT bao gồm:
- Đề xuất phương án giải quyết thích hợp như thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án;
- Tư vấn đảm bảo điều kiện khởi kiện;
- Hướng dẫn xác minh và thu thập giấy tờ chứng minh;
- Soạn thảo đơn yêu cầu hòa giải, đơn khởi kiện, văn bản giải trình, đơn sửa đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện (nếu có);
- Đại diện theo ủy quyền tha gia buổi hòa giải, nộp đơn khởi kiện, tham gia các buổi làm việc với tòa án khi được triệu tập;
- Tư vấn thủ tục kháng cáo (nếu cần).
Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp, tận tâm và am hiểu pháp luật, dịch vụ luật sư tư vấn tranh chấp lối đi chung giúp Quý khách tiết kiệm thời gian, giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng đạt được kết quả có lợi trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Câu hỏi thường gặp về cách xử lý khi bị hàng xóm tự lý mở lối đi qua
Để giúp Quý khách hiểu rõ hơn về cách xử lý khi bị hàng xóm tự ý mở lối đi ngang qua, đội ngũ luật sư của chúng tôi đã tổng hợp một số câu hỏi liên quan. Mời tham khảo!
Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ sở hữu tài sản có thể thực hiện những biện pháp chủ động nào để ngăn chặn hàng xóm tự ý mở lối đi?
Chủ sở hữu tài sản có thể ngăn chặn việc tiếp cận trái phép bằng cách rõ ràng xác định ranh giới tài sản của mình thông qua việc xây dựng hàng rào, tường hoặc các vật cản vật lý khác. Việc đăng ký quyền sử dụng đất chính xác với cơ quan có thẩm quyền và duy trì các giấy tờ đất đai rõ ràng cũng là một biện pháp ngăn chặn hiệu quả, căn cứ Điều 186 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Giao tiếp thường xuyên với hàng xóm về ranh giới tài sản cũng có thể giúp tránh những hiểu lầm.
Ngoài án phí, những chi phí nào khác có thể phát sinh theo quy định pháp luật khi giải quyết tranh chấp lối đi?
Ngoài án phí, các chi phí tố tụng khác có thể phát sinh bao gồm phí tư vấn pháp lý, phí đo đạc hoặc định giá đất (nếu có yêu cầu thẩm định tại chỗ hoặc định giá theo Điều 7 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024), chi phí thu thập bằng chứng (ví dụ: phí giám định, phí công chứng tài liệu), và các chi phí thi hành án tiềm năng nếu cần phải thi hành phán quyết của tòa án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
Theo pháp luật, điều gì xảy ra nếu hàng xóm từ chối tuân thủ một thỏa thuận hòa giải thành công hoặc một bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật?
Nếu hàng xóm từ chối tuân thủ một thỏa thuận hòa giải có giá trị pháp lý được công nhận hoặc một bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bên bị xâm phạm quyền có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự để buộc thi hành, căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015, “lối đi hợp lý” được tòa án xác định như thế nào, và những yếu tố nào ảnh hưởng đến số tiền bồi thường khi cấp quyền lối đi?
“Lối đi hợp lý” được xác định dựa trên các yếu tố như hiện trạng địa hình xung quanh, sự cần thiết của lối đi đối với bất động sản bị vây bọc, và tác động tối thiểu đến bất động sản chịu hưởng quyền, căn cứ Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015. Số tiền bồi thường thường dựa trên giá trị thị trường của phần đất được sử dụng làm lối đi tại thời điểm quyền lối đi được thiết lập và có thể xem xét bất kỳ thiệt hại nào phát sinh cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có những hậu quả pháp lý hoặc hình phạt cụ thể nào đối với hàng xóm tự ý mở lối đi bất hợp pháp?
Một hàng xóm tự ý mở lối đi bất hợp pháp mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu đất là vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp. Họ có thể bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất theo Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và có thể phải chịu phạt hành chính về hành vi sử dụng đất trái phép. Nếu có thiệt hại phát sinh, họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Kết luận
Cách xử lý khi hàng xóm tự ý mở lối đi qua đòi hỏi Quý khách nắm vững quy định pháp luật và thực hiện đúng trình tự thủ tục. Từ hòa giải cơ sở đến khởi kiện tại Tòa án, mỗi bước cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với đầy đủ chứng cứ pháp lý. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc về hướng xử lý tranh chấp này, hãy gọi ngay số hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư Đất đai tư vấn và hỗ trợ chuyên sâu.
Tags: giải quyết tranh chấp lối đi chung, Hòa giải tranh chấp đất đai, Khởi kiện tranh chấp đất đai, Mở lối đi chung, Tư vấn luật đất đai
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.