Bản ghi âm có được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự không? Đây là câu hỏi mà nhiều Qúy bạn đọc đã thắc mắc. Ghi âm là một hình thức ghi lại giọng nói bằng thiết bị điện tử và được lưu trên những thiết bị chuyên dụng như băng ghi, điện thoại. Trong vụ án hình sự, bản ghi âm là một nguồn của chứng cứ, và nó được xem là chứng cứ khi mà nó được thu thập theo một cách hợp pháp.
Bản ghi âm có được xem là chứng cứ
Mục Lục
Ghi âm là gì?
Ghi âm là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh và có thể phát lại.
Trong tố tụng hình sự, ghi âm thường được dùng trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Quy định về chứng cứ trong tố tụng hình sự
Khái niệm về chứng cứ
Chứng cứ là những thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án được chứa đựng trong các nguồn khác nhau. Chứng cứ là những thông tin có thật và được thu thập theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chứng cứ trong vụ án hình sự
Chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Trong vụ án hình sự, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn sau:
- Vật chứng;
- Lời khai, lời trình bày;
- Dữ liệu điện tử;
- Kết luận giám định, định giá tài sản;
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
- Các tài liệu, đồ vật khác.
Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Chứng cứ trong vụ án hình sự
Căn cứ pháp lý: Điều 86, Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Giá trị pháp lý của bản ghi âm trong tố tụng hình sự
Theo như Điều 87 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về nguồn của chứng cứ thì trong đó dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ. Đồng thời tại Điều 99 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng có quy định chi tiết về dữ liệu điện tử như sau:
- Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
- Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
- Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Như vậy, theo quy định tại Điều 87 và Điều 99 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bản ghi âm là một hình thức dữ liệu điện tử ở dạng âm thanh và vì vậy ghi âm được xem là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự.
Nếu bản ghi âm có thật và được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định thì được xem là chứng cứ.
Thu thập chứng cứ đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định
Căn cứ pháp lý: Điều 87, Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Luật sư hướng dẫn thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự
- Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
- Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
- Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
- Để thu thập chứng cứ, tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có quyền tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Bản ghi âm để được xem là chứng cứ thì phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà luật quy định và bản ghi âm đó là có thật. Nếu Quý bạn đọc còn có những vấn đề chưa hiểu rõ hoặc cần tư vấn trực tiếp thì hãy liên hệ tới Chúng tôi tư vấn qua Hotline 1900636387 để được hỗ trợ một cách nhanh nhất. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.