Các quy định về thủ tục tố tụng hình sự được pháp luật ghi nhận bắt buộc cơ quan có thẩm quyền tố tụng phải tuân thủ. Việc vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Hướng giải quyết khi vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, có bị hủy án hay không sẽ được Luật Long Phan PMT thể hiện cụ thể thông qua bài viết dưới đây.
Vi phạm thủ tục tố tụng
Mục Lục
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là gì?
Theo quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Cơ sở pháp ý: điểm o khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Các dạng vi phạm dẫn đến vụ án hình sự bị hủy
Vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự
Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án
Vi phạm này thể hiện ở hai dạng: Cơ quan tiến hành tố tụng xác định không đúng nơi xảy ra hành vi phạm tội theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử sai thẩm quyền lãnh thổ, hoặc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thụ lý giải quyết.
Vi phạm trong việc hỏi cung, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng
Lời khai của bị can, bị cáo, bị hại, nhân chứng, người liên quan mâu thuẫn nhưng không đối chất làm rõ dẫn theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Biên bản ghi lời khai không thể hiện rõ việc bị can đã được nghe lại hoặc được đọc lại xác nhận nội dung biên bản theo theo khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 .
Biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai bị hại, nhân chứng nhưng không có phiên dịch trong những trường hợp họ là người dân tộc theo khoản 3 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Vi phạm tố tụng trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, khám xét, thực nghiệm điều tra, giám định
Vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thu giữ vật chứng xảy ra nhiều và thể hiện ở việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường không đúng quy định, thu giữ vật chứng nhưng không lập biên bản niêm phong.
Việc giám định Điều 205 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 hoặc định giá tài sản theo Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 theo cũng có nhiều vi phạm như không trưng cầu giám định hoặc giám định, định giá không đúng quy định; các loại vi phạm này thường xảy ra trong các loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe; xâm phạm sở hữu; tội phạm về quản lý kinh tế; xâm phạm về trật tự an toàn giao thông.
Việc điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội, người phạm tội và các tình tiết khách quan của vụ án
Dạng vi phạm thể hiện cụ thể là chưa làm rõ hậu quả của tội phạm, hoặc chưa làm rõ tuổi của bị cáo hoặc người bị hại trong các vụ án mà bị cáo, bị hại còn ở tuổi chưa thành niên. Nhưng khi tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ có mâu thuẫn thì các cơ quan tiến hành tố tụng không giám định độ tuổi để làm căn cứ khởi tố, truy tố cho chính xác mà vẫn kết luận điều tra truy tố, trong khi việc xác định tuổi của bị cáo, bị hại có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định tội danh và quyết định đường lối xử lý.
Vi phạm trong xác định lý lịch tư pháp của người thực hiện hành vi phạm tội không chính xác xảy ra nhiều, dẫn đến việc khởi tố bị can, kết luận điều tra, truy tố và kết án không đúng tên người phạm tội.
Vi phạm về giới hạn xét xử, việc xét hỏi, tranh luận, nghị án, ghi biên bản phiên tòa và phạm vi xét xử
Vi phạm về giới hạn xét xử thường gặp là Viện kiểm sát truy tố một tội danh nhưng Tòa án xử bị cáo về nhiều tội danh khác nhau.
Vi phạm về việc xét hỏi và tranh luận thường gặp là không công bố lời khai trong quá trình xét hỏi theo yêu cầu của Viện kiểm sát; tranh luận và xét hỏi đan xen nhau, không đúng quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Vi phạm về phạm vi xét xử phúc thẩm là trường hợp bị cáo rút toàn bộ kháng cáo tại phiên tòa nhưng không đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án
Việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng thường thể hiện qua sự nhầm lẫn giữa:
- Nguyên đơn dân sự theo Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và bị hại theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự theo Điều 62, Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 với người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
- Nhầm lẫn giữa bị hại theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 với người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng rất lớn tới việc giải quyết khách quan toàn diện vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyền nghĩa vụ của các đương sự.
Vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự
Truy tố, xét xử không đúng tội danh
Những vi phạm này thường xảy ra ở những tội phạm có dấu hiệu đặc trưng gần giống nhau như giết người với cố ý gây thương tích, giết người trong trạng thái bị kích động mạnh với giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc các tội phạm về kinh tế như tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm, hoặc hành vi chỉ phạm vào một tội nhưng truy tố, xét xử về nhiều tội danh khác nhau.
Bỏ lọt tội phạm và người phạm tội
Đây là vi phạm xảy ra khá nhiều trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, được thể hiện ở việc các cơ quan tố tụng đánh giá chứng cứ không đúng, không đầy đủ, toàn diện, dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội, bỏ lọt người phạm tội, nhất là bỏ lọt những hành vi đi liền với nhau cấu thành nhiều tội phạm khác nhau nhưng chỉ truy tố, xét xử một tội hoặc nhiều người đồng phạm cùng tham gia thực hiện tội phạm nhưng chỉ xử lý người chủ mưu, người thực hành, bỏ lọt các đồng phạm khác.
Xác định sai khung hình phạt, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho hưởng án treo, quyết định hình phạt, áp dụng biện pháp tư pháp không đúng
Việc xác định sai khung hình phạt thường gặp là bị cáo phạm vào khung tăng nặng nhưng truy tố hoặc xét xử ở khung nhẹ hơn. Áp dụng tình tiết tăng nặng tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tình tiết giảm nhẹ theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không đúng được thể hiện như bỏ sót các tình tiết tăng nặng, cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ không đúng quy định.
Cho hưởng án treo theo Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không đúng quy định cũng thường bắt nguồn từ việc nhận thức và áp dụng không đúng các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, như nhận thức áp dụng sai các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó cho hưởng án treo cả những đối tượng chủ mưu, phạm nhiều tội cùng lúc hoặc phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các đối tượng phạm tội có tính chất côn đồ.
Khi nào thì hủy án do vi phạm thủ tục tố tụng hình sự?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Theo đó, nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án để điều tra lại. Ngoài ra, nếu có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm.
Hủy bản án sơ thẩm
Luật sư tư vấn cách giải quyết khi có sai phạm trong quá trình xét xử vụ án hình sự
- Luật sư tư vấn các quy định pháp luật về trường hợp hủy Bản án do vi phạm thủ tục tố tụng;
- Tư vấn các căn cứ pháp luật về các tình tiết cần xác định để được xem xét giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự cho bị can/bị cáo;
- Tư vấn và đánh giá các cấu thành tội phạm từ đó đề ra phương hướng, cách thức xử lý đem lại quyền lợi cho Khách hàng;
- Tư vấn cho Khách hàng soạn thảo đơn xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự;
- Tham gia thu thập tài liệu, chứng cứ có lợi để bảo vệ thân chủ;
- Luật sư trực tiếp tham gia bào chữa giành quyền lợi hợp pháp cho Khách hàng tại tòa án.
Luật sư tư vấn thủ tục tố tụng hình sự
Như vậy, nếu có vi phạm nghiêm trọng trong giai đoạn xác minh, điều tra hoặc trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án. Ngoài ra, bài viết trên của Luật Long Phan cũng đã cung cấp thêm các kiến thức pháp lý có liên quan đến Quý độc giả. Nếu còn thắc mắc về vấn đề trên hoặc cần LUẬT SƯ HÌNH SỰ tư vấn, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ sớm nhất nhé.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.