Khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng về pháp luật đất đai và hôn nhân gia đình. Bài viết này cung cấp hướng dẫn chi tiết về quy định pháp luật liên quan, các trường hợp đất đai được xem là tài sản chung, thẩm quyền giải quyết tranh chấp và thủ tục khởi kiện cần thiết. Những thông tin dưới đây sẽ giúp Quý khách hàng nắm rõ quy trình và chuẩn bị tốt nhất khi tiến hành khởi kiện.

Phương thức khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng
Khi xảy ra tranh chấp đất đai là tài sản chung giữa vợ chồng, việc lựa chọn phương thức khởi kiện phù hợp là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Theo đó, tranh chấp có thể được giải quyết đồng thời trong vụ án ly hôn hoặc được tách ra thành vụ án riêng tùy vào thời điểm phát sinh và tính chất phức tạp của vụ việc.
Yêu cầu giải quyết chung trong vụ án ly hôn
Vợ chồng có thể yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp đất đai cùng với vụ án ly hôn. Theo Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Khi áp dụng phương thức này, đơn khởi kiện cần thể hiện rõ quan hệ tranh chấp chính là quan hệ hôn nhân – ly hôn. Nguyên đơn phải nêu cụ thể yêu cầu về việc chia tài sản đất đai trong đơn ly hôn. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét và giải quyết đồng thời cả việc ly hôn và phân chia tài sản chung là đất đai.
Việc giải quyết chung giúp đảm bảo tính thống nhất trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hôn nhân và tài sản. Và phương thức này phù hợp khi tranh chấp đất đai không quá phức tạp và có thể giải quyết trong phạm vi vụ án ly hôn.
>>> Xem thêm: Thủ tục khởi kiện ly hôn chia tài sản chung
Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp riêng
Trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng chưa giải quyết việc chia tài sản đất đai, có thể khởi kiện riêng thành 01 vụ án với yêu cầu chia tài sản chung là đất đai. Đây là phương thức được áp dụng khi tranh chấp đất đai phức tạp hoặc phát sinh sau khi có quyết định ly hôn/ bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Phương thức này cho phép tòa án tập trung giải quyết sâu vào vấn đề tranh chấp đất đai mà không bị ràng buộc bởi các vấn đề khác của vụ án ly hôn. Lúc này, người khởi kiện cần nộp kèm đơn khởi kiện, bản án hoặc quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật để chứng minh quan hệ hôn nhân đã chấm dứt. Ngoài ra, trên thực tiễn xét xử của Tòa án, Tòa án thường yêu cầu người khởi kiện nộp lại đơn khởi kiện với nội dung yêu cầu giải quyết chia tài sản chung cùng yêu cầu ly hôn trong cùng 01 vụ án (nếu chưa giải quyết ly hôn).
Ngoài ra, trường hợp vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân mà có yêu cầu chia tài sản chung thì vẫn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia định 2014, trong thời kỳ hôn nhân mà vợ chồng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Lúc này Tòa án sẽ áp dụng nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn mặc dù trên thực tế hai vợ chồng không có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ yêu cầu riêng giải quyết tranh chấp về tài sản chung.
Như vậy, tùy thuộc vào thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai trong cùng vụ án ly hôn hoặc khởi kiện riêng biệt. Việc xác định đúng phương thức khởi kiện không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng mà còn đảm bảo tranh chấp được giải quyết phù hợp.
>>>Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn

Thẩm quyền tòa án giải quyết tranh chấp đất là tài sản chung của vợ chồng
Xác định đúng thẩm quyền của Tòa án khi chia tài sản chung của vợ chồng là bước quan trọng đầu tiên giúp quá trình khởi kiện diễn ra suôn sẻ, đúng pháp luật. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản chung vợ chồng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng thuộc Tòa án. Thẩm quyền này bao gồm cả việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con và chia tài sản khi ly hôn. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Trường hợp 2: Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 16/5/2024, khi vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về bất động sản mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn và nơi có bất động sản khác nhau, thẩm quyền tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tức, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Tóm lại, việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án không chỉ giúp người dân thực hiện đúng quy trình tố tụng mà còn tránh được tình trạng trả lại đơn hoặc chuyển hồ sơ gây mất thời gian.
Quy trình khởi kiện và giải quyết tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng
Khi phát sinh mâu thuẫn không thể hòa giải liên quan đến quyền sử dụng đất là tài sản chung, việc khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng tại Tòa án là giải pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Quá trình này đòi hỏi người khởi kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục tố tụng dân sự, từ khâu chuẩn bị hồ sơ, nộp đơn, cho đến khi vụ án được giải quyết qua các cấp xét xử.
Để tiến hành thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng một cách thuận lợi và hiệu quả, các bên cần nắm vững quy trình ba bước cốt lõi sau đây: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đầy đủ và hợp lệ, thực hiện đúng thủ tục thụ lý tại Tòa án có thẩm quyền, và theo dõi thời hạn giải quyết vụ án theo luật định. Việc hiểu rõ các giai đoạn này sẽ giúp quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra nhanh chóng, minh bạch và đúng pháp luật.
Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Khi yêu cầu Tòa án chia tài sản chung sau ly hôn, người khởi kiện cần chuẩn bị đơn khởi kiện và đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại ĐIều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Các giấy tờ này là căn cử để Tòa án xem xét, thụ lý yêu cầu khởi kiện.
Đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn phải theo mẫu số 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban ngày 13/01/2017.
Thành phần hồ sơ kèm theo bao gồm:
- Căn cước công dân của vợ và chồng;
- Bản án hoặc quyết định của tòa án về giải quyết yêu cầu ly hôn (nếu đã giải quyết ly hôn);
- Giấy đăng ký kết hôn (nếu chưa ly hôn);
- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản chung và tài sản riêng của cả hai bên;
- Giấy tờ chứng minh việc đóng góp trong việc tôn tạo, tăng giá định tài sản chung là đất đai;
- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung của vợ chồng;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Việc soạn thảo đơn khởi kiện đúng mẫu và nộp kèm đầy đủ hồ sơ chứng minh là cơ sở để Tòa án có thể giải quyết nhanh chóng, đúng quy trình. Để tránh thiếu sót hoặc bị trả lại đơn, Quý khách có thể tham khảo ý kiến luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực chia tài sản sau ly hôn.
Thủ tục thụ lý
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện, Quý khách tiến hành nộp đơn thông qua các phương thức được quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đến Tòa án nơi có bất động sản để được giải quyết:
- Nếu nộp trực tiếp, tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện.
- Trường hợp nộp theo đường dịch vụ bưu chính, tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
- Khi nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia nếu có.
Sau khi nhận đơn, Thẩm phán sẽ xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn cho tòa án có thẩm quyền; hoặc trả lại đơn khởi kiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công (xem khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Tiếp đó, căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi xét thấy hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền, thẩm phán sẽ ra thông báo cho người khởi kiện thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận giấy báo, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho tòa án để Tòa tiến hành thụ lý giải quyết tranh chấp.
Sau đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý thì Thẩm phán sẽ gửi thông báo thụ lý cho các bên trong đó có ác thông tin như tên thẩm phán thụ lý, vấn đề cụ thể của người khởi kiện, yêu cầu người khởi kiện nộp kèm tài liệu chứng cứ, bản tự khai, yêu cầu phán tổ, yêu cầu độc lập (nếu có).
Như vậy quy trình thụ lý bắt đầu từ việc nộp đơn, nhận thông báo đến nộp tạm ứng án phí đến khi nộp cho tòa biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Để tránh phát sinh sai sót làm chậm quá trình giải quyết, quý khách nên chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ và thực hiện thủ tục theo đúng hướng dẫn của Tòa án.
Thời hạn giải quyết tranh chấp
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, mỗi giai đoạn tố tụng đều có thời hạn xử lý cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi và tránh kéo dài tranh chấp không cần thiết. Cụ thể như sau:
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 4 tháng kể từ ngày thụ lý theo Điểm a Khoản 1 Điều 203 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Quý khách hàng cần lưu ý các thời hạn này để theo dõi tiến độ giải quyết vụ án và chuẩn bị các tài liệu cần thiết kịp thời.
Tại cấp phúc thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm chia tài sản sau khi ly hôn là 02 tháng theo Khoản 1 Điều 286 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm 01 tháng nếu vụ án phức tạp.
Như vậy, việc nắm rõ thời hạn giải quyết tại các cấp xét xử giúp Quý khách không chỉ giám sát tiến độ giải quyết vụ án mà còn có thời gian chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan.
Các căn cứ tòa án xem xét giải quyết tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng
Khi giải quyết tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố pháp lý và thực tiễn để đảm bảo việc phân chia được thực hiện công bằng, hợp lý.
Căn cứ xác định đất đai tranh chấp là tài sản chung
Tòa án sẽ dựa vào Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để xác định tài sản chung của đất đai. Theo đó, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, trừ trường hợp được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc giao dịch bằng tài sản riêng. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều này quy định nếu không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng thì được coi là tài sản chung.
Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024 quy định về việc ghi tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản chung thì việc chỉ một người đứng tên không phải căn cứ để xác định quyền sở hữu riêng. Do đó, tài sản do một trong hai vợ chồng đứng tên vẫn có thể được xác nhận là tài sản chung của vợ chồng nếu không có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng.,
Tòa án xem xét thời điểm hình thành quyền sử dụng đất để xác định tài sản. Áp dụng Án lệ số 03/2016/AL về ly hôn và tài sản chung của vợ chồng, tòa án phân tích các tình tiết về nguồn gốc đất đai, quá trình sử dụng và đóng góp của mỗi bên. Các chứng cứ về thời gian mua đất, nguồn tiền mua đất và sự đồng ý của vợ chồng trong việc sử dụng đất là những yếu tố quan trọng để tòa án đưa ra kết luận chính xác về tài sản.
Quá trình sử dụng
Tòa án xem xét quá trình sử dụng đất đai của vợ chồng để đánh giá mức độ đóng góp, tạo lập khối tài sản chung là đất đai của mỗi bên. Chẳng hạn như, cùng xây dựng nhà cửa, cải tạo đất đai, canh tác, chăn nuôi, xây dựng công trình trên đất cũng như có sử dụng đất liên tục, công khai, ổn định hay không. Do đó, khi có yêu cầu Tòa án phải xem xét đến quá trình sử dụng đất đai để cân nhắc quyết định phân chia tài sản là đất cho một bên có nhu cầu sử dụng đất hơn còn bên kia được bồi hoàn khoản tiền tương ứng.
Hiện trạng sử dụng
Tòa án tiến hành khảo sát thực địa để xác định hiện trạng sử dụng đất đai tranh chấp chẳng hạn như diện tích đất thực tế, loại đất và mục đích sử dụng, các công trình xây dựng trên đất như nhà ở, chuồng trại, giếng nước được đánh giá để xác định giá trị tài sản. Ngoài ra, việc ai đang thực tế sử dụng và quản lý đất đai tại thời điểm ly hôn được xem xét. Hiện trạng sử dụng này ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và khả năng tiếp tục sử dụng của mỗi bên sau khi phân chia.
Để đánh giá yếu tố này, Tòa án sẽ thực hiện thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ, định giá/ thẩm định giá đối với tài sản chung để kiểm tra hiện trạng thực tế của tài sản chung, xác định phần giá trị của tài sản để làm căn cứ tính án phí, chi phí tố tụng và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nhằm tránh tình trạng một bên cố tình khai báo sai lệch hoặc che giấu thông tin về tài sản chung.
Bên cạnh đó, Tòa án cũng xem xét tình trạng pháp lý của đất đang tranh chấp thông qua việc kiểm tra các giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ về nghĩa vụ tài chính. Theo Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc chia quyền sử dụng đất phụ thuộc vào loại đất và hiện trạng sử dụng cụ thể. Đây là nguyên tắc khi phân chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng. Như vậy, khi giải quyết vụ án, Tòa án cân nhắc hiện trạng này để đưa ra phương án phân chia phù hợp với thực tế và quy định pháp luật.
Các tình tiết về hoàn cảnh, điều kiện sống của các bên khi phân chia đất đai tranh chấp
Khi giải quyết tranh chấp đất đai giữa vợ chồng sau ly hôn, ngoài các yếu tố pháp lý cơ bản, Tòa án còn đặc biệt xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện sống cụ thể của từng bên để đảm bảo việc phân chia tài sản phù hợp. Cụ thể, theo hướng dẫn của Theo điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng là yếu tố quan trọng. Tòa án sẽ xem xét các vấn đề như:
- Thu nhập, nghề nghiệp và khả năng lao động của mỗi bên được đánh giá để xác định khả năng tự lực về kinh tế;
- Nhu cầu về chỗ ở của mỗi bên được ưu tiên xem xét, đặc biệt là bên trực tiếp nuôi con nhỏ;
- Tòa án cân nhắc việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp. Nếu một bên có nghề nghiệp gắn liền với đất đai như nông nghiệp, tòa án có thể ưu tiên cho bên đó tiếp tục sử dụng.
Do đó, Tòa án sẽ xem xét hoàn cảnh, điều kiện của vợ chồng khi phan chia tài sản chung, theo đó bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng theo Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016.
Ngoài ra, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng cũng được xem xét. Chẳng hạn như, các hành vi như ngoại tình, bạo hành, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con có thể ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản.
Như vậy, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sinh sống và trách nhiệm nuôi con của từng bên sẽ có tác động trực tiếp đến quyết định phân chia đất đai tranh chấp.

Câu hỏi thường gặp về khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng
Để giúp Quý khách hiểu rõ hơn về quá trình khởi kiện tranh châp đất đai là tài sản chung của vợ chồng, chúng tôi đã tổng hợp mốt số câu hỏi liên quan sau:
Điều gì sẽ xảy ra nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có tên một người vợ hoặc chồng? Nó có vẫn được tính là tài sản chung không?
Có, ngay cả khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mang tên một người vợ hoặc chồng, đất vẫn có thể được công nhận là tài sản chung nếu không có bằng chứng chứng minh đó là tài sản riêng của người vợ hoặc chồng đó.
(Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024)
Điều gì sẽ xảy ra nếu một bên vợ hoặc chồng đã có những đóng góp tài chính đáng kể hơn cho đất đai?
Trong khi nguyên tắc thường là chia đều tài sản chung, Tòa án có thể xem xét những đóng góp của mỗi bên vợ hoặc chồng vào việc mua lại, duy trì hoặc nâng cao giá trị đất khi xác định tỷ lệ phân chia, đặc biệt đối với tài sản có được từ những nỗ lực chung.
Điều gì sẽ xảy ra nếu có các khoản nợ liên quan đến đất chung?
Các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân với mục đích duy trì hoặc mua lại tài sản chung, bao gồm đất đai, thường được coi là nợ chung và sẽ được chia giữa các bên vợ chồng trong quá trình phân chia.
(khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và gia định 2014)
Các chi phí điển hình liên quan đến việc nộp đơn kiện tranh chấp đất đai là gì?
Các chi phí thường bao gồm án phí (tạm ứng án phí), phí luật sư nếu thuê luật sư, và các chi phí tiềm năng cho việc định giá đất, đo đạc hoặc ý kiến chuyên gia. Các khoản cụ thể phụ thuộc vào giá trị đất và sự phức tạp của vụ án.
Tranh chấp đất đai về tài sản chung thường mất bao lâu để giải quyết?
Thời gian giải quyết thay đổi tùy theo sự phức tạp của vụ án, sự hợp tác của các bên và số lượng vụ án của Tòa án. Thông thường, các thủ tục tố tụng ban đầu (sơ thẩm) có thể mất vài tháng và kháng cáo (phúc thẩm) có thể kéo dài thêm thời gian.
Tư vấn thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung vợ chồng
Luật Long Phan PMT cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp bao gồm:
- Phân tích tình huống pháp lý và đánh giá tài liệu hồ sơ khách hàng cung cấp.
- Hướng dẫn thu thập và chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ cần thiết chứng minh quyền đối với tài sản.
- Soạn thảo đơn khởi kiện và các tài liệu tố tụng.
- Đại diện thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.
- Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Chuẩn bị bài bảo vệ và tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có).
- Tư vấn các phương án giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (nếu có thể).
Kết luận
Khởi kiện tranh chấp đất đai là tài sản chung của vợ chồng là quá trình phức tạp. Điều này đòi hỏi kiến thức pháp lý chuyên sâu. LuậtbLong Phan PMT cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền lợi cho Quý khách hàng. Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ ngay.
Tags: chia tài sản chung của vợ chồng, phân chia tài sản chung, Tranh chấp đất đai
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.