Đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ có được không thường là mối quan tâm của nhiều người khi thực hiện giao dịch đặt cọc. Việc xác định rõ tính hợp pháp của các loại tài sản đặt cọc trên sẽ giúp các bên tránh được các rủi ro pháp lý khi thực hiện giao dịch này. Vậy, ngoại tệ hay vàng có được xem là đối tượng của đặt cọc? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về vấn đề này.
Đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ
Mục Lục
Đối tượng của đặt cọc theo quy định Bộ luật Dân sự 2015
Khi tham gia giao dịch đặt cọc, bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một tài sản cụ thể, tài sản này được xem là đối tượng của đặt cọc. Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), đối tượng của đặt cọc có thể là một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Tài sản đặt cọc có thể sử dụng để đảm bảo thực hiện hoặc giao kết hợp đồng, sẽ được trả lại hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền khi hợp đồng được giao kết, thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
Có thể thấy, không phải đối tượng nào cũng có thể trở thành đối tượng của đặt cọc mà chỉ giới hạn những loại tài sản nhất định như trên. Mặt khác, để trở thành đối tượng của biện pháp đặt cọc, tài sản đặt cọc phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.
>>>Xem thêm: Đặt cọc mua bán nhà ở bằng đồng usd có được chấp nhận không?
Sử dụng vàng, ngoại tệ để đặt cọc có vi phạm pháp luật?
Để xác định vàng, ngoại tệ dùng để đặt cọc có vi phạm pháp luật hay không, trước hết cần xác định hai đối tượng này có phải là đối tượng của đặt cọc hay không.
Đối với việc sử dụng vàng để đặt cọc
Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 17/2014/TT-NHNN quy định vàng là một trong những loại kim khí quý. Như vậy, nhìn chung vàng cũng là đối tượng trong giao dịch đặt cọc theo quy định tại Điều 328 BLDS 2015. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định nào về việc cấm sử dụng vàng để đặt cọc mà chỉ cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán (khoản 4 Điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP). Vì vậy, trong trường hợp hai bên thỏa thuận đặt cọc nhằm đảm bảo giao kết thực hiện hợp đồng mà tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc thì sẽ không vi phạm vì vàng không được dùng để thanh toán, tuy nhiên nếu tài sản đặt cọc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì sẽ bị xem là vi phạm.
Sử dụng vàng, ngoại tệ để đặt cọc có vi phạm?
Đối với việc sử dụng ngoại tệ để đặt cọc
Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 28/2005/PL-UBTVQH11 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định rõ các giao dịch, thanh toán, thỏa thuận,… trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp pháp luật cho phép. Có thể thấy, đặt cọc dù dưới bất kì hình thức hay mục đích nào cũng không thể sử dụng ngoại tệ làm đối tượng của đặt cọc. Tiền là đối tượng của đặt cọc phải là đồng Việt Nam, không thể là ngoại tệ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, Nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá trong các trường hợp sau:
- Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc bằng ngoại tệ là một quy định mới được bổ sung, đây cũng là trường hợp duy nhất mà đặt cọc bằng ngoại tệ được pháp luật cho phép.
Như vậy, đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ tùy trường hợp mà sẽ được xem xét có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết trong các giao dịch dân sự thông thường việc đặt cọc này thường rơi vào trường hợp không được phép, trừ các trường hợp đã đề cập trên.
>>>Xem thêm: Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có cần công chứng không?
Hậu quả pháp lý khi thực hiện giao dịch đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ trái pháp luật
Khi các bên thực hiện giao dịch đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ trái pháp luật sẽ dẫn đến hệ quả giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật theo Điều 122, 123 BLDS 2015. Theo đó, căn cứ Điều 131 BLDS 2015, giao dịch đặt cọc bị vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Đồng thời, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường trong trường hợp có thiệt hại xảy ra. Như vậy, bai bên khi giao dịch đặt cọc cần nắm rõ các quy định để tránh giao dịch bị vô hiệu, dẫn đến việc không đạt được mục đich của hợp đồng và phải chịu những khoản thiệt hại phát sinh.
Hậu quả pháp lý khi thực hiện giao dịch đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ trái pháp luật
Bài viết trên đây hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin hữu ích về vấn đề đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch tư vấn hay giải đáp các thắc mắc khác, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua số hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hoặc trao đổi trực tiếp với. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.