Ai có trách nhiệm bồi thường khi cơ quan nhà nước thực hiện sai thủ tục? là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người dân khi tham gia vào quan hệ pháp luật với cơ quan nhà nước. Căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là gì và chủ thể nào được quyền yêu cầu bồi thường, chủ thể nào có nghĩa vụ bồi thường cũng là những vấn đề cần được làm rõ để giải quyết câu hỏi trên. Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Ai có trách nhiệm bồi thường khi cơ quan nhà nước thực hiện sai thủ tục?
Mục Lục
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (LTNBTCNN), Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
Có căn cứ xác định hành vi trái pháp luật và yêu cầu bồi thường
Theo khoản 2 Điều 7 LTNBTNN, căn cứ này bao gồm:
- Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Có thiệt hại thực tế
Thiệt hại được hiểu là sự giảm sút các lợi ích về tài sản hoặc lợi ích về nhân thân so với tình trạng hiện hữu hoặc sự giảm sút các lợi ích mà chủ thể bị thiệt hại sẽ và chắc chắn có được trong tương lai trong một điều kiện bình thường nếu không có việc gây thiệt hại xảy ra. Thiệt hại thực được hiểu là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, được quy định từ Điều 23 đến Điều 28 LTNBTCNN, bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;
- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;
- Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm;
- Thiệt hại về tinh thần;
- Các chi phí khác.
Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi gây thiệt hại
Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại ở đây được hiểu là thiệt hại thực tế mà người bị thiệt hại gánh chịu phải bắt nguồn từ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Nếu trường hợp một vụ việc có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế phát sinh nhưng thiệt hại đó không bắt nguồn từ hành vi trái pháp luật, thì cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước
>>>Xem thêm: Kiện đòi bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất
Chủ thể có trách nhiệm bồi thường khi cơ quan nhà nước thực hiện sai thủ tục
Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường, theo quy định tại Điều 15 LTNBTCNN, cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm:
- Ra bản án, quyết định về giải quyết yêu cầu bồi thường, tổ chức thực hiện hoặc yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện bản án, quyết định đó.
- Khôi phục hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại.
- Xác định trách nhiệm hoàn trả hoặc yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thu tiền hoàn trả theo quy định của Luật này.
- Xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 LTNBTCNN, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ:
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin, tài liệu của mình;
- Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường
Chủ thể có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định tại Điều 5 LTNBTCNN bao gồm:
- Người bị thiệt hại;
- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Cá nhân, pháp nhân được những người nêu trên ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
Thời hiệu yêu cầu bồi thường được quy định tại Điều 6 LTNBTCNN, theo đó:
- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 LTNBTCNN và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.
- Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
>>>Xem thêm: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi các bên đều có lỗi
Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi Ai có trách nhiệm bồi thường khi cơ quan nhà nước thực hiện sai thủ tục? Nếu quý bạn đọc có gì thắc mắc về nội dung này hoặc muốn tìm hiểu vấn đề pháp lý liên quan khác, xin vui lòng liên hệ qua hotline: 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ chúng tôi hỗ trợ Tư vấn Luật Dân Sự.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.