Tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là dịch vụ tư vấn cho cá nhân, tổ chức đang muốn thành lập doanh nghiệp ở lĩnh vực này. Bao gồm tư vấn về điều kiện kinh doanh, hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn một số vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics cũng như dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn thông tin cụ thể qua bài viết dưới đây.
Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics
Mục Lục
Dịch vụ logistics bao gồm những loại dịch vụ nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (sau đây gọi tắt là Nghị định 163/2017/NĐ-CP), dịch vụ logistics bao gồm các dịch vụ sau:
- Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
- Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
- Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
- Dịch vụ chuyển phát.
- Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
- Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
- Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch chuẩn bị chứng từ vận tải.
- Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
- Dịch vụ vận tải hàng không.
- Dịch vụ vận tải đa phương thức.
- Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
- Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
- Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
Như vậy, dịch vụ logistics bao gồm các loại dịch vụ cụ thể được liệt kê ở phía trên và các dịch vụ khác hỗ trợ vận tải hoặc do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Căn cứ Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics như sau:
- Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
- Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics, ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định trên, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:
Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
- Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
- Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật:
- Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
- Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
- Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.
Như vậy, khi cá nhân, tổ chức trong nước hay nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ logistics thì phải thỏa mãn các điều kiện quy định nêu trên.
>>>Xem thêm: Điều kiện để kinh doanh dịch vụ logistic
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics
Doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài
Đối với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước, thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân/thành viên/cổ đông sáng lập/người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên/cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên/cổ đông là tổ chức;
CSPL: Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp mang hồ sơ đến nộp ở Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ theoquy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Xem xét và xử lý hồ sơ
- Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.(Khoản 5 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. (khoản 2 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 35 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định pháp luật.
Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Bước 6: Xin cấp Giấy phép kinh doanh một số ngành nghề của dịch vụ logistics
Tùy loại dịch vụ logistics mà doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định pháp luật, vì thế sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiến hành xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ logistics đã chọn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có vốn đầu tư nước ngoài, trước hết cần xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ Điều 33 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư; gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư và vốn đầu tư, phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế nơi công ty liên doanh đặt trụ sở theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật Đầu tư 2020.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư 2020, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng tương tự như thủ tục thành lập doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, tuy nhiên, cần bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư vào hồ sơ trước khi nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics
Tư vấn quy định pháp luật
Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ tư vấn các quy định pháp luật thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics như sau:
- Tư vấn các loại hình kinh doanh dịch vụ logistics
- Tư vấn điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với từng loại hình logistics
- Tư vấn điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn hợp tác, đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam trong từng trường hợp cụ thể
- Tư vấn điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
- Tư vấn các giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics
- Tư vấn các vấn đề khác có liên quan.
Luật sư tư vấn quy định kinh doanh dịch vụ logistics
Tư vấn hồ sơ và thực hiện thủ tục
Hồ sơ, thủ tục là một trong những vấn đề phức tạp mà doanh nghiệp phải thực hiện khi muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.
Dịch vụ tư vấn hồ sơ và thực hiện thủ tục của Luật Long Phan PMT sẽ thay doanh nghiệp giải quyết khó khăn này, bao gồm:
- Xây dựng Điều lệ của doanh nghiệp
- Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ bao gồm giấy tờ, tài liệu cần thiết để đăng ký thành lập doanh nghiệp
- Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics 100% vốn đầu tư Việt Nam
- Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có vốn đầu tư nước ngoài
- Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh một số ngành nghề của dịch vụ logistics
- Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là thủ tục khá phức tạp cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để được thực hiện nhanh chóng. Việc nắm rõ quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ logistics là rất cần thiết đối với người thành lập doanh nghiệp. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư Doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời.
>>> Có thể bạn quan tâm
- Mẫu Thông Báo Thay Đổi Nội Dung Đăng Ký Doanh Nghiệp
- Thủ Tục Thành Lập Doanh Nghiệp Tư Nhân
- Thành Lập Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Cần Những Gì?
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.