Sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo là hành vi lấy hình ảnh của người khác mà không xin phép với mục đích quảng cáo. Việc sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo có vi phạm pháp luật không, biện pháp xử lý như thế nào và các vấn đề có liên quan đến sử dụng hình ảnh trong quảng cáo sẽ được Chúng tôi giải đáp thông qua bài viết này.
Sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo
Mục Lục
- 1 Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo
- 2 Sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật
- 3 Xử lý hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo
- 3.1 Xử phạt hành chính
- 3.2 Xử lý hình sự
- 4 Luật sư tư vấn giải quyết đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo
Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo
Theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm:
- Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo;
- Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước; phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng;
- Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
- Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;
- Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
- Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật;
- Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân;
- Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép;
- Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố;
- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;
- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;
- Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;
- Tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
- Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn;
- Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
>>> Xem thêm: Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo
Sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật khi lấy hình ảnh người khác để quảng cáo
Hình ảnh của mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ và không được ai sử dụng hình ảnh mà chưa được người đó cho phép. Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”.
Theo khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý để quảng cáo là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Các “trường hợp được pháp luật cho phép” mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Xử lý hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo
Xử phạt hành chính
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo. Lưu ý, mức phạt tiền này áp dụng cho cá nhân vi phạm; trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt gấp đôi mức phạt này.
Bên cạnh đó, hành vi trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc xin lỗi cá nhân đó bằng văn bản.
CSPL: Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
Xử lý hình sự
Khi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác trong quảng cáo, tùy mức độ và tính chất của hành vi, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể như sau:
“Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.”
Luật sư tư vấn giải quyết đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo
Luật sư tư vấn
- Luật sư tư vấn cho Quý khách hàng những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
- Hỗ trợ tư vấn những thắc mắc, hướng giải quyết đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác để quảng cáo.
- Đai diện khách hàng thực hiện các công việc theo yêu cầu;
- Hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác trong quảng cáo của mình ngoài các trường hợp pháp luật cho phép mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật. Tùy vào từng trường hợp và mức độ ảnh hưởng mà cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh của người khác trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư vấn luật, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư tư vấn hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.