Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng

Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng là nội dung quan trọng mà các bên tham gia giao kết hợp đồng cần đặc biệt quan tâm. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì cần phải làm gì để khắc phục vi phạm này. Qua bài viết dưới đây, Luật sư hợp đồng sẽ làm rõ cụ thể các quy định pháp luật về căn cứ áp dụng cũng như cách thức thực hiện các biện pháp khắc phục đó.

các biện pháp khắc phục

Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng

>>>Xem thêm: Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Căn cứ áp dụng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

Theo Điều 297 Luật thương mại (LTM) 2005 thì căn cứ để áp dụng biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng là:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên.
  • Hành vi vi phạm này không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM 2005.

Đồng thời căn cứ theo khoản 2 Điều 297 LTM 2005 có thể liệt kê một số hành vi vi phạm mà có thể làm căn cứ để yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:

  • Vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng thỏa thuận trong hợp đồng thì phải buộc giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng hàng hóa khác chủng loại, loại dịch vụ khác, dùng tiền khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
  • Vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ chất lượng kém so với thỏa thuận hợp đồng thì bên vi phạm phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng.

Cách thức thực hiện

  • Thông báo cho đối tác về hành vi vi phạm và đưa ra yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng.
  • Có thể thỏa thuận gia hạn cho bên vi phạm một khoản thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo Điều 298 LTM 2005.
  • Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không được thì bên bị vi phạm có 2 lựa chọn:
  • Thứ nhất là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc bên còn lại thực hiện nghĩa vụ. Thông thường cơ quan giải quyết sẽ là Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.
  • Thứ hai là thực hiện quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có hoặc tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý căn cứ theo Khoản 3 Điều 297 LTM 2005. Trường hợp bên mua là bên vi phạm hợp đồng thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và pháp luật.

>> Xem thêm: Hướng dẫn soạn thảo đơn kháng cáo án dân sự sơ thẩm

Phạt vi phạm

phạt vi phạm hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng

Căn cứ áp dụng

Theo quy định tại Điều 300 LTM 2005 thì căn cứ để áp dụng biện pháp phạt vi phạm là:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng
  • Có thỏa thuận giữa các bên về phạt vi phạm: khác với các biện pháp khác thì phạt vi phạm hợp đồng chỉ có thể được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ không thể yêu cầu phạt vi phạm.
  • Hành vi vi phạm không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM 2005.

Mức phạt vi phạm

Về mức phạt vi phạm thì phải xác định rõ đối tượng áp dụng để có thể xác định được mức phạt vi phạm cụ thể:

  • Trong trường hợp thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, căn cứ vào quy định tại Điều 418 thì không đưa ra mức giới hạn cụ thể cho mức phạt vi phạm, có nghĩa là sẽ theo thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng.
  • Mặt khác, nếu thuộc sự điều chỉnh của LTM 2005, căn cứ theo Điều 301 thì mức phạt vi phạm cũng sẽ do các bên thỏa thuận tuy nhiên sẽ không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ trong hợp đồng.
  • Trên thực tế, nếu hai bên thỏa thuận vượt mức phạt vượt quá mức 8% này thì khi có tranh chấp tại Tòa án thường sẽ tuyên vô hiệu phần thỏa thuận vượt quá và áp dụng từ mức 8% trở xuống.
  • Ngoài ra, nếu thuộc vào trường hợp tại Điều 266 LTM 2005 thi mức phạt vi phạm này sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

Buộc bồi thường thiệt hại

Căn cứ áp dụng

Theo quy định tại Điều 303 LTM 2005 thì yêu cầu bồi thường thiệt hại phải đáp ứng các căn cứ sau đây:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng
  • Có thiệt hại thực tế: đây là căn cứ quan trọng để yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu không có thiệt hại thực tế xảy ra hoặc không thể chứng minh được thiệt hại này thì không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, nói cách khác ra có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra.
  • Hành vi vi phạm không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM 2005.

Mức bồi thường thiệt hại

Khi có một bên vi phạm hợp đồng, về nguyên tắc, hai bên có thể tiến hành thỏa thuận để thống nhất về mức bồi thường thiệt hại. Nếu trong hợp đồng có điều khoản về bồi thường thiệt hại thì sẽ xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận và hợp đồng cũng không có điều khoản về bồi thường thiệt hại khi vi phạm thì sẽ xác định theo quy định của pháp luật, cụ thể:

  • Theo Khoản 2 Điều 419 BLDS 2015, người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
  • Theo Khoản 2 Điều 302 LTM 2005, giá trị bồi thường thiệt hại gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Như vậy, cách tính mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cũng như giá trị thiệt hại thực tế xảy ra đối với từng trường hợp cụ thể.

>>>Xem thêm: Tài liệu chứng minh đối tác vi phạm hợp đồng khi khởi kiện như thế nào

Nghĩa vụ của bên yêu cầu

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bên yêu cầu phải có nghĩa vụ:

  • Chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 304 LTM 2005).
  • Phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Nếu bên yêu cầu không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất này thì bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường bằng mức tổn thất đáng lẽ đã có thể hạn chế được (Điều 305 LTM 2005).

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Căn cứ áp dụng

Theo quy định tại Điều 308 LTM 2005 thì căn cứ để tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngưng thực hiện hợp đồng.
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, theo Khoản 13 Điều 3 LTM 2005 thì vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
  • Hành vi vi phạm không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 Luật thương mại (LTM) 2005.

Cách thức thực hiện

  • Căn cứ theo Điều 315 LTM 2005 thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng hợp đồng.
  • Trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Hậu quả pháp lý

  • Theo Điều 309 LTM 2005 thì hợp đồng vẫn có hiệu lực khi bị tạm ngừng thực hiện. Về nguyên tắc, hợp đồng sẽ tiếp tục được thực hiện khi hành vi vi phạm đã được khắc phục và mâu thuẫn bất đồng giữa các bên được giải quyết. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đồng thời với việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Căn cứ áp dụng

Theo quy định tại Điều 310 LTM 2005 thì căn cứ để một bên thực hiện đình chỉ thực hiện hợp đồng phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng.
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
  • Hành vi vi phạm không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM 2005.

Cách thức thực hiện

  • Căn cứ theo Điều 315 LTM 2005 thì bên đình chỉ thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc đình chỉ hợp đồng.
  • Trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên đình chỉ thực hiện hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Hậu quả pháp lý

  • Theo Điều 311 LTM 2005 thì khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.
  • Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đồng thời với việc áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng.

>>>Xem thêm: Điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán xăng dầu

Hủy bỏ hợp đồng

hủy bỏ hợp đồng

Hủy bỏ hợp đồng

Căn cứ áp dụng

Theo quy định tại Điều 312 LTM 2005 thì căn cứ để hủy bỏ hợp đồng là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Tuy rằng BLDS và LTM có sử dụng thuật ngữ khác nhau để miêu tả về hành vi vi phạm này tuy nhiên nội hàm chung là việc vi phạm của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Tùy thuộc vào đối tượng áp dụng mà sẽ sử dụng thuật ngữ nào.

Một số hành vi vi phạm mà pháp luật quy định có thể hủy bỏ hợp đồng là:

  • Hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ
  • Hành vi làm mất, làm hư hỏng tài sản mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại.

Cách thức thực hiện

  • Cũng tương tự như biện pháp tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đỉnh chỉ hợp đồng thi thì bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng (Căn cứ theo Điều 315 LTM 2005).
  • Trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Hậu quả pháp lý

Theo tinh thần chung tại Điều 427 BLDS 2015 và Điều 314 LTM 2005, hợp đồng bị hủy bỏ thì:

  • Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ như đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng.
  • Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải thực hiện đồng thời.
  • Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Nếu Quý khách hàng đang có cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý liên quan đến Cách khắc phục khi vi phạm hợp đồng hãy liên hệ với TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh nhất có thể. Thông qua tổng đài, chúng tôi có thể cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý khác nhau cho khách hàng. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc. Xin cám ơn!

Luật Long Phan PMT

Công Ty Long Phan PMT hướng đến trở thành một CÔNG TY LUẬT uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TƯ VẤN PHÁP LUẬT, cung cấp DỊCH VỤ LUẬT SƯ pháp lý. Luật Long Phan PMT hoạt động với phương châm ☞ "lấy chữ tín lên hàng đầu", "xem khách hàng như người thân", làm việc nhanh chóng, hiệu quả. Điều hành bởi Thạc sĩ – Luật sư Phan Mạnh Thăng nỗ lực không ngừng để trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của mọi cá nhân, tổ chức.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87