Nộp lại toàn bộ tiền tham ô có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đang là câu hỏi của nhiều độc giả đặc biệt là trong giai đoạn hiện này đã ngày càng có nhiều vụ án về tham nhũng, hối lộ bị phát hiện và xử lý. Người phạm tội nộp lại toàn bộ số tiền tham ô có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc những vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung nêu trên.
Nộp lại toàn bộ tiền tham ô
Mục Lục
- 1 Tham ô tài sản là gì?
- 2 Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản
- 2.1 Mặt khách thể
- 2.2 Mặt chủ thể
- 2.3 Mặt khách quan
- 2.4 Mặt chủ quan
- 3 Mức hình phạt đối với tội tham ô tài sản
- 4 Người phạm tội nộp lại tài sản tham ô có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
- 5 Luật sư tư vấn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi phạm tội tham ô tài sản
Tham ô tài sản là gì?
Tội tham ô tài sản là một trong các Tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 chương XXIII Bộ luật hình sự 2015.
Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.
>>> Xem thêm: Tội tham ô tài sản
Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản
Để cấu thành Tội Tham ô tài sản thì phải đáp ứng được các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, các yếu cấu thành Tội Tham ô tài sản được quy định như sau:
Mặt khách thể
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và cả doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, làm suy yếu, mấy uy tín của các cơ quan, tổ chức này, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Đối tượng tác động là tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn đang quản lý. Đó có thể là tài sản thuộc sở hữu cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đang được giao cho người phạm tội quản lý. Định lượng tối thiểu theo quy định của luật.
Mặt chủ thể
Chủ thể của Tội Tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt, đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm những người sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Như vậy, chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là những người có chức vụ quyền hạn và đồng thời có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà mình chiếm đoạt.
Mặt khách quan
Tội tham ô tài sản có cấu thành tội phạm vật chất, với hai yếu tố chính là hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm:
- Về hành vi khách quan: Người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Hành vi chiếm đoạt tài sản này liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, không có chức vụ, quyền hạn này thì họ không thể nào thực hiện hành vi phạm tội của mình.
- Về hậu quả: Thiệt hại tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản của Tội Tham ô tài sản cần phải liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội và phải gây thiệt hại trên thực tế mới có thể cấu thành mặt khách quan của Tội Tham ô tài sản.
Cần lưu ý rằng, để cấu thành Tội tham ô tài sản thì tài sản không là các tài sản có tính năng, công dụng đặc biệt. Nếu đối tượng tác động đó có tính chất đặc biệt như vũ khí quân dụng thì sẽ cấu thành tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (Điều 304 BLHS), tài sản là tài sản là phương tiện kỹ thuật quân sự thì sẽ cấu thành Tội chiếm đoạt phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304 BLHS); nếu tài sản là vật liệu nổ thì sẽ cấu thành tội chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 BLHS).
Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Như vậy, để cấu thành Tội Tham ô tài sản thì phải đáp ứng được các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm như đã nêu ở trên.
>>> Xem thêm: Phân biệt tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ
Cấu thành tội tham ô tài sản
Mức hình phạt đối với tội tham ô tài sản
Căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 thì Tội tham ô tài sản có 4 khung hình phạt tương ứng với thiệt hại khác nhau:
Khung 1: Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì bị phạt tù từ 02 – 07 năm nếu trị giá tài sản từ 02 đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2: Phạt tù từ 07 – 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;
- Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 01 đến dưới 03 tỷ đồng;
- Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
Khung 3: Phạt tù từ 15 – 20 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1000.000.000 tỷ đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 3000.000.000 đến dưới 5.000.000.000 tỷ đồng;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người phạm tội tham ô tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đến 05 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>>Xem thêm: Tội tham ô tài sản bị xử lý như thế nào?
>>>Xem thêm: Người phạm tội tham ô tài sản có bị tử hình không
Người phạm tội nộp lại tài sản tham ô có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
Người phạm tội nộp lại tài sản tham ô có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định như sau: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.
Như vậy, nếu người phạm tội Tham ô tài sản tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả bằng việc nộp lại số tài sản đã tham ô thì có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đồng thời theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 về tử hình có quy định, Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong trường hợp này thì hình phạt tử hình sẽ chuyển thành tủ chung thân theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015.
Điều này có nghĩa rằng, nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, nếu như người phạm tội nộp lại tài sản tham ô có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm: Khung hình phạt của Tội tham ô tài sản trong lĩnh vực y tế có tình tiết giảm nhẹ
Quy định về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Luật sư tư vấn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi phạm tội tham ô tài sản
Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi phạm tội tham ô tài sản với những nội dung như sau:
- Tư vấn về cấu thành tội phạm, mức xử phạt của Tội Tham ô tài sản;
- Tư vấn về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi Tội Tham ô tài sản;
- Tư vấn các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
- Tư vấn về nộp lại tài sản tham ô có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
- Hỗ trợ soạn thảo đơn từ, tài liệu cần thiết phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử;
- Đại diện cho khách hàng tham gia tố tụng vụ án Hình sự;
- Nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm việc với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án.
- Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng;
Người phạm tội nộp lại tài sản tham ô có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bài viết trên đã cung cấp thông tin về những đặc điểm pháp lý và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Tội tham ô tài sản theo quy định của pháp luật. Nếu Quý khách còn vướng mắc hay cần tư vấn luật hình sự cụ thể, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 hoặc Luật sư hình sự để được hỗ trợ.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.