Các trường hợp hoãn phiên tòa hành chính là một trong những vấn đề được người tham gia tố tụng hành chính quan tâm vì nó ảnh hưởng đến tiến độ xét xử và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đương sự. Trong một số trường hợp Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa xét xử vụ án theo quy định của pháp luật. Công ty Luật Long Phan kính mời các bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để rõ hơn về các trường hợp này.
Các trường hợp hoãn phiên tòa hành chính
Mục Lục
Phân tích các trường hợp hoãn phiên tòa hành chính
Các trường hợp hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm
Các trường hợp hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm được quy định tại điều 162 Luật Tố tụng hành chính 2015, sửa đổi bổ sung 2019 (LTTHC).
- Các trường hợp được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 155, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 161 của luật này. Cụ thể đó là các trường hợp:
- Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử khi có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án ;
- Trường hợp Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế; Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhưng có người vắng mặt, mà người đó không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế.
- Thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;
- Trường hợp phải tiến hành giám định lạitheo quy định tại Điều 170 của Luật này.
Bên canh đó, Phiên tòa sơ thẩm có thể bị hoãn tùy vào quyết định của Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 162 trong các trường hợp sau:
- Trường hợp tại khoản 2 Điều 159, khi người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
- Trường hợp tại khoản 2 điều 160, khi người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử
Các trường hợp hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm
Các trường hợp phải hoãn phiên tòa phúc thẩm được quy định tại Điều 232 LTTHC. Theo khoản 1 Điều này, phiên tòa phúc thẩm phải bị hoãn trong các trường hợp:
- Khi người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế;
- không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp có Thẩm phán vắng mặt hoặc không thể tham gia xét xử;
- Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế;
- khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt.
- Thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;
- Người giám định bị thay đổi;
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều này, phiên tòa phúc thẩm cũng có thể bị hoãn tùy theo quyết định của Hội đồng xét xử nếu rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 159 và khoản 2 Điều 160.
Mẫu đơn đề nghị xét xử vắng mặt vụ án hành chính
>>>Xem thêm: Luật sư bảo vệ có thể xin hoãn phiên tòa vì bị ốm có được không?
Hồ sơ để hoãn phiên tòa
Trừ các trường hợp hoãn phiên tòa được đề cập bên trên; khi đề nghị hoãn phiên tòa, người tham gia phiên tòa bắt buộc phải viết đơn, nêu rõ lí do đề nghị hoãn phiên tòa và chứng minh được lý do đó.
Theo quy định nêu trên, nội dung của đơn đề nghị tạm hoãn phiên tòa phải có:
- Tên Tòa án nhận đơn;
- Thông tin người đề nghị hoãn phiên tòa: Họ và tên, ngày sinh, Số CMND/số CCCD, địa chỉ liên hệ, số điện thoại,…;
- Tư các tham gia phiên tòa;
- Tên vụ án mà người đề nghị tham gia xét xử;
- Lý do, thời gian xin hoãn phiên tòa chính đáng;
Phiên tòa bị hoãn khi có Quyết định hoãn phiên tòa bằng văn bản được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Một vụ án hành chính được hoãn phiên tòa bao nhiêu lần?
Hiện nay, pháp luật không quy định số lần hoãn tối đa được phép của một phiên tòa hành chính. Vì vậy có thể hiểu rằng bất cứ khi nào xảy ra các trường hợp cho phép được hoãn phiên tòa xét xử thì Hội đồng xét xử đều có quyền ra quyết định hoãn phiên tòa. Căn cứ vào các trường hợp hoãn phiên tòa hành chính, thì một phiên tòa hành chính có thể bị hoãn khoảng 8 lần (có thể hơn) mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật.
Khiếu nại Hội đồng xét xử khi tạm ngừng phiên tòa trái quy định pháp luật
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hoãn phiên tòa hành chính là trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự thì họ có thể khiếu nại về quyết định này theo quy định tại khoản 1 điều Điều 327 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Thời hiệu khiếu nại
Theo điều 330 luật này, thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Do đó, người muốn khiếu nại về quyết định hoãn phiên tòa hành chính phải thực hiện khiếu nại trong vòng 10 ngày kể từ khi họ nhận được hoặc biết được quyết định này.
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Quyết định hoãn phiên tòa hành chính có thể bị khiếu nại
Hình thức khiếu nại
Điều 331 quy định rằng việc khiếu nại phải được thực hiện bằng văn bản. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Khoản 3 Điều 163 quy định rằng “Quyết định hoãn phiên tòa phải được Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp Chủ tọa phiên tòa vắng mặt thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Do đó, tùy vào từng trường hợp mà Thẩm phán- chủ tọa phiên tòa hoặc Chánh án Tòa án sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa hành chính.
Các khiếu nại quyết định của Thẩm phán do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết. Các khiếu nại quyết định của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết. (Căn cứ vào khoản 1 Điều 332 về Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng).
Khi gửi đơn khiếu nại về quyết định hoãn phiên tòa hành chính, người khiếu nại phải gửi đơn đến đúng người có thẩm quyền giải quyết.
Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.Căn cứ vào điều 335 của luật này, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn quy định tại nêu trên mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo.
>>>Xem thêm: Khiếu nại quyết định hành chính không được giải quyết xử lý như thế nào?
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về trường hợp hoãn phiên tòa hành chính. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hoặc cần LUẬT SƯ HÀNH CHÍNH tư vấn, quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.