Khiếu nại thủ tục kỷ luật viên chức trái pháp luật như thế nào? Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về quyền khiếu nại của viên chức, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là ai, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về khiếu nại thủ tục kỷ luật viên chức trái pháp luật qua bài viết sau đây.
Viên chức có quyền khiếu nại thủ tục kỷ luật trái pháp luật
Mục Lục
Quyền khiếu nại của viên chức.
Theo quy định của Luật Viên chức 2010, Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định (Điều 56) và được quy định rõ hơn tại Điều 42 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức: “Viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại theo quy định”.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1 được quy định như sau:
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp. Căn cứ theo quy định này, có thể hiểu thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu của viên chức đối với thủ tục kỷ luật trái pháp luật là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quản lý viên chức.
>> Xem thêm: Phân chia di sản thừa kế là nhà đất được thực hiện thế nào nếu có tranh chấp
>> Xem thêm: Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong xử lý kỷ luật viên chức
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai được quy định như sau:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu
Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại.
Bước 3: Tổ chức đối thoại
- Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
- Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
- Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
- Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Bước 5: Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
>>>Xem thêm: Mẫu đơn khiếu nại
Thủ tục giải quyết khiếu nại
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai
Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
- Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại.
Bước 3: Tổ chức đối thoại lần hai.
Bước 4: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Bước 5: Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
- Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây:
- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;
- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thời hiệu khiếu nại
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.
- Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
- Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Trên đây là những quy định của pháp luật về Khiếu nại thủ tục kỷ luật viên chức trái pháp luật. Nếu trong quá trình tìm hiểu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần được tư vấn kỹ hơn xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÀNH CHÍNH hỗ trợ nhanh nhất. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.