Hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp trong xã hội hiện nay. Vậy nếu chống đối người thi hành công vụ sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu Luật sư có thể bào chữa cho người có hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc tìm hiểu rõ về vấn đề này.
>>>Xem thêm: Các Yếu Tố Cấu Thành Tội Danh Chống Người Thi Hành Công Vụ
Mục Lục
Thế nào là hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo Điều 3 Giải thích từ ngữ trên tinh thần nội dung của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ có định nghĩa:
“Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”
Có thể hiểu rõ hơn là một hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ, trước hết hành vi đó phải có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực như đánh, trói, … hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật như cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác,…
Tuy nhiên, không phải hành vi nào mà phản ứng lại người thi hành công vụ cũng đều bị xem là hành vi chống người thi hành công vụ.
Vì thế, chúng ta cần phải hiểu rõ thế nào là Chống người thi hành công vụ để có thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất.
Người có hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?
Người có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý dưới 2 hình thức là truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
- Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.”
Và khi hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính.
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
- Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Khi nào thì một người phạm tội chống người thi hành công vụ?
Một người phạm tội chống thi hành công vụ khi người đó có đầy đủ các dấu hiệu pháp lý sau:
- Khách thể: là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định. Phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật.
- Khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật nhưng vẫn cố ý làm.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
Luật sư bào chữa cho thân chủ phạm tội chống người thi hành công vụ
Căn cứ Điều 72, Điều 83 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Luật sư có thể tham gia với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Trong phạm vi quyền của mình được quy định cụ thể ở Điều 73 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015, Luật sư tham gia hỏi cung cùng cơ quan điều tra sẽ bảo vệ quyền lợi của bị cáo tránh bị mớm cung, ép cung…
Trên đây là bài viết cụ thể về Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu bạn đọc có khó khăn, thắc mắc cần được hỗ trợ về TƯ VẤN HÌNH SỰ có thể liên hệ ngay đến số HOTLINE 1900 63 63 87 để được đội ngũ luật sư hình sự sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.