Nguyên tắc sử dụng hợp lý – Fair Use trong Sở hữu trí tuệ

Bảo hộ sở hữu trí tuệ là một đòn bẩy giúp phát triển kinh tế, song việc bảo hộ quá nhiều hay quá lâu có thể kìm hãm sự phát triển không chỉ riêng khu vực sản phẩm trí tuệ được bảo hộ mà còn ảnh hưởng đến sự tiến bộ của nhân loại. Xuất phát từ tính vô hình của sản phẩm sở hữu trí tuệ nên việc bảo hộ trong lĩnh vực này cũng có những đặc trưng nhất định. Nguyên tắc sở hữu hợp lý (trong tiếng anh gọi là fair use) là một nguyên tắc cơ bản trong việc bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ những những nét tiêu biểu nhất của nguyên tắc này.

Học thuyết sử dụng hợp lý

Nguyên tắc sử dụng hợp lý trong tiếng anh còn gọi là fair use. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Học thuyết sử dụng hợp lý ghi nhận rằng việc áp dụng cứng nhắc các luật sở hữu trí tuệ (luật bản quyền) trong một số trường hợp nhất định là không hợp lý hoặc có thể kiềm chế sự sáng tạo hay ngăn người khác tạo tác phẩm gốc một cách không phù hợp. Điều đó sẽ gây tổn hại cho công chúng. Vì thế, học thuyết cho phép mọi người sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác mà không cần được phép trong một số trường hợp nhất định. Các ví dụ phổ biến bao gồm: chỉ trích, bình luận, báo cáo tin tức, bài giảng, học bổng và nghiên cứu.

Hiện nay, không có một quy định pháp luật nào ở Việt Nam thể hiện thế nào là nguyên tắc sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, thông thường, có 04 yếu tố để xem xét việc sử dụng một sản phẩm sở hữu trí tuệ có bản quyền có hợp lý không, cụ thể:

  • Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng. Mục đích sử dụng có mang bản chất thương mại hay phi thương mại. Việc sử dụng có chuyển đổi hay thay đổi tác phẩm gốc bằng cách thêm ý nghĩa, ngữ cảnh hoặc từ ngữ mới không. Việc sử dụng ảnh thời trang để thảo luận về mức độ chỉnh sửa ở bức ảnh đó có nhiều khả năng là sử dụng hợp lý hơn nếu sử dụng ảnh mà không bình luận. Tác phẩm nhại lại có thể là trường hợp sử dụng hợp lý nếu bắt chước tác phẩm theo cách phê phán hoặc bình luận về tác phẩm gốc. Việc sử dụng có mang tính thương mại hay hoàn toàn cá nhân hay không? Việc sử dụng mang tính thương mại hoặc lợi nhuận ít có khả năng được coi là sử dụng hợp lý.
  • Bản chất của tác phẩm có bản quyền. Việc sử dụng các tác phẩm thực sự nhằm hướng dẫn hoặc là cơ sở dữ liệu có nhiều khả năng là sử dụng hợp lý hơn so với việc sử dụng các tác phẩm mang tính sáng tạo cao như thơ hoặc phim khoa học viễn tưởng.
  • Số lượng và phần thực chất được sử dụng so với toàn bộ tác phẩm có bản quyền. Việc sử dụng các phần nhỏ của tác phẩm có bản quyền có nhiều khả năng là sử dụng hợp lý hơn so với việc sao chép toàn bộ tác phẩm. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng một phần nhỏ, nếu phần được sử dụng là đoạn quan trọng nhất, “trọng tâm” của tác phẩm, thì việc sử dụng đó ít có khả năng được coi là hợp lý.
  • Ảnh hưởng của việc sử dụng trên thị trường tiềm năng hoặc giá trị của tác phẩm có bản quyền. Việc sử dụng có thay thế tác phẩm gốc đến mức mọi người dừng mua hoặc xem tác phẩm có bản quyền không? Nếu có, hành động này ít có khả năng là sử dụng hợp lý.

Mối quan hệ giữa nguyên tắc cân bằng lợi ích và học thuyết Sử dụng hợp lý

Hình ảnh nguyên tắc cân bằng lợi ích và học thuyết Sử dụng hợp lý của Công ty Luật Long Phan PMT
Nguyên tắc cân bằng lợi ích và học thuyết sử dụng hợp lý có mối quan hệ gì với nhau ?

Theo triết học của Locke, bất cứ tài sản gì là thành quả lao động của người nào thì người đó có quyền sở hữu. Tuy nhiên, lý thuyết trên không hoàn toàn thích hợp với loại tài sản vô hình – sản phẩm đặc trưng của lao động bằng trí tuệ. Xét trong mối quan hệ giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và kinh tế, có thể thấy bảo hộ quyền sở hữu có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Không thể phủ nhận những đóng góp vô cùng to lớn của sản phẩm trí tuệ đối với sự phát triển của nhân loại, tuy nhiên, không thể chối bỏ rằng, ở một góc độ nào đó, quyền sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đối với xã hội. Khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến tình trạng độc quyền. Việc độc quyền sẽ dẫn đến tăng các chi phí giao dịch trong xã hội – chi phí của những người muốn sở hữu hay sử dụng các sản phẩm trí tuệ này. Khi đó, các chủ thể độc quyền sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt hại (họ phải trả tiền cho sản phẩm với giá thành đôi khi cao hơn lợi ích mà họ có thể thu được từ sản phẩm đó). Các nhà kinh tế không phải không thấy được điều này, song họ xem đây là những ảnh hưởng ngắn hạn – là cái giá phải trả cho những lợi ích dài hạn. Lợi ích dài hạn của sở hữu trí tuệ là việc tăng năng suất lao động trên các cơ chế khuyến khích sáng tạo. Xuất phát từ tính sáng tạo đặc trưng của sản phẩm sở hữu trí tuệ mà sản phẩm này được rất chú trọng bởi lẽ sáng tạo là động lực của sự phát triển.

Bản chất của nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội là sự dung hoà quyền lợi giữa các bên nhằm tạo ra điều kiện tồn tại và phát triển cho chính các bên, cao hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển của văn học, khoa học và kỹ thuật. Mỗi bên sẽ phải hy sinh một phần quyền lợi của mình để hướng tới lợi ích chung lớn hơn mà sâu xa hơn chính là tạo ra một xã hội phát triển bền vững, công bằng và bình đẳng.

Để thực hiện nguyên tắc cân bằng lợi ích, luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ của quốc tế và của nhiều nước đã tạo nên một số quy định thường được gọi là “fair use” – quyền của mọi người sử dụng tài liệu có bản quyền không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao trong một số trường hợp. Một trong những lĩnh vực thể hiện rất rõ nguyên tắc này là những quy định về sao chép tác phẩm. Như vậy, sử dụng một cách hợp lý sản phẩm sở hữu trí tuệ trong pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm cân bằng lợi ích của chủ thể sở hữu và xã hội.

Quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về nguyên tắc cân bằng lợi ích

Hình ảnh Quy định của pháp luật Việt Nam về nguyên tắc cân bằng lợi ích của Công ty Luật Long Phan PMT
Nguyên tắc cân bằng lợi ích được quy định như thế nào ?

Mặc dù quyền sở hữu trí tuệ là độc quyền, song đây không hẳn là một sự độc quyền mang tính tuyệt đối. Phạm vi và thời hạn bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí bị pháp luật hạn chế, cụ thể tại Khoản 1 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (viết tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) các chủ thể quyền này chỉ được thực hiện quyền quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này. Ngoài ra, Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không những thế, Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

Để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu cũng như của cộng đồng xã hội, pháp luật quy định Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy mà độc quyền của tác giả chỉ được bảo hộ trong một thời gian nhất định, sau thời gian đó tác phẩm sẽ thuộc quyền khai thác tự do của công chúng. Các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng bị giới hạn về thời hạn bảo hộ.

Một trong những điểm thể hiện rất rõ nội dung của nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội là quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao. Vấn đề này được quy định trong các điều ước quốc tế về quyền tác giả và trong pháp luật các nước. Ví dụ, Công ước Berne – điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về quyền tác giả cũng quy định trong những trường hợp nhất định quốc gia thành viên có quyền quy định việc sao chép, trích dẫn, in lại, phát sóng lại….với mức độ phù hợp với thông lệ, không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại bất hợp lý cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong những trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, Công ước Berne chỉ quy định nguyên tắc chung về các trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép, không cần trả tiền còn các quốc gia thành viên được quyền quy định cụ thể vấn đề này trong pháp luật quốc gia.

Tại Việt Nam, các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền được liệt kê trong Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Các trường hợp đó gồm:

  • Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
  • Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
  • Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
  • Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
  • Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
  • Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
  • Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
  • Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
  • Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Tuy nhiên, việc sử dụng trong các trường hợp trên không được áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. Việc sử dụng cũng phải đáp ứng điều kiện là không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm.

Các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền được quy định trong các điều ước quốc tế. Ví dụ, Điều 11 bis Công ước Berne cho phép pháp luật quốc gia thành viên có quyền quy định việc sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nước mà quốc gia thành viên có quy định khác nhau về vấn đề này. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm.

Ngoài ra, Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ cũng ghi nhận trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về nguyên tắc sở hữu hợp lý trong sở hữu trí tuệ. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan.

Scores: 4.25 (4 votes)

Tham vấn Luật sư: Trần Tiến Lực - Tác giả: Phạm Thị Hồng Hạnh

Phạm Thị Hồng Hạnh – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hợp đồng và thừa kế. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đạt sự tin tưởng của khách hàng.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

4 thoughts on “Nguyên tắc sử dụng hợp lý – Fair Use trong Sở hữu trí tuệ

    • Võ Tấn Lộc says:

      Kính chào bạn Dương,
      Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến luatlongphan.vn
      đối với câu hỏi của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:
      – Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền trong đó có chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị. Nếu bạn quay video đọc một cuốn sách hoặc đọc báo rồi đăng lên mạng nhằm mục đích cho người khiếm thị mà không thu bất kì khoản lợi nào, thì sẽ không cần trả tiền hoặc xin phép tác giả, và không vi phạm bản quyền.
      – Nếu bạn đăng video nhằm mục đích kinh doanh, có thu lợi từ tác phẩm của người khác mà không xin phép tác giả thì đã vi phạm quyền tác giả, cụ thể là hành vi Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả theo khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019.
      – Trên đây là nội dung tư vấn mang tính tham khảo của chúng tôi dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp. Trường hợp bạn muốn được tư vấn trực tiếp để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ:
      CÔNG TY LUẬT LONG PHAN PMT
      – Trụ sở chính: 50/6 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM
      – Cơ sở 02: Căn hộ Officetel 3.34, Tầng 3, Lô OT-X2, toà nhà Sunrise City North, 27 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, Tp.HCM.
      – Điện thoại liên hệ: 1900.63.63.87
      Trân trọng !

  1. Dao Binh says:

    Anh ơi cho em hỏi rằng nếu sử dụng hình ảnh hay âm nhạc trong video nhg minh đã thay đổi rồi (như là làm mờ ảnh) thì có được coi lad sử dụng hợp lí ko ạ

  2. Dao Binh says:

    Cho em hỏi là nếu mình làm video về bình luận hay mục đích truyền đạt kiến thức thì có được tạo lợi nhuận không ạ? nếu không thì tại sao những kênh như phê phim vẫn hoạt động bình thường được ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87