Hướng dẫn soạn bản tự bảo vệ khi bị kiện tại trọng tài là dịch vụ được Luật Long Phan PMT thiết kế để giúp quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại của khách hàng được nhanh chóng. Bản tự bảo vệ giúp bị đơn trình bày quan điểm, phản bác yêu cầu của nguyên đơn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Để đảm bảo hiệu quả và tuân thủ đúng quy định pháp luật, việc soạn thảo bản tự bảo vệ cần được thực hiện một cách cẩn trọng và chính xác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về thời hạn nộp, nội dung cần thiết, trình tự xem xét và các lưu ý quan trọng khi soạn bản tự bảo vệ trong tố tụng trọng tài.

Thời hạn nộp bản tự bảo vệ đối với đơn kiện
Thời hạn nộp bản tự bảo vệ của bị đơn đối với đơn kiện của nguyên đơn quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài: Bị đơn phải nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
- Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc: Bị đơn phải nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, nếu các bên không có thoả thuận khác. Đồng thời phải lựa chọn và cung cấp tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.
Hướng dẫn soạn thảo và nội dung cần có trong bản tự bảo vệ
Bản tự bảo vệ cần được soạn thảo đầy đủ và chi tiết, bao gồm các nội dung tại khoản 1 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ.
-
Thông tin về bị đơn: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email.
-
Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có.
- Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Đây là những nội dung cơ bản mà bản tự bảo vệ phải có. Tùy từng trung tâm trọng tài các bên lựa chọn mà sẽ áp dụng mẫu khác nhau.
Quý khách hàng có thể tham khảo mẫu bản tự bảo vệ tại trang web của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hoặc liên hệ với Luật Long Phan PMT để được hỗ trợ soạn thảo phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Trình tự xem xét, giải quyết đối với bản tự bảo vệ
Sau khi nhận được bản tự bảo vệ, Trung tâm trọng tài sẽ tiến hành các bước sau:
- Gửi bản tự bảo vệ cho nguyên đơn để họ có thể nộp bản ý kiến phản hồi nếu không đồng ý với nội dung trong bản tự bảo vệ.
- Sau khi hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 40, Điều 41 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài xem xét bản tự bảo vệ và xem xét lập luận của bị đơn trong bản tự bảo vệ và tài liệu đã được gửi kèm theo.

Có được sửa đổi, bổ sung nội dung của bản tự bảo vệ không?
Theo khoản 2 Điều 37 Luật Trọng tài thương mại 2010, Bị đơn được sửa đổi, bổ sung nội dung của bản tự bảo vệ. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu việc sửa đổi, bổ sung có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.
Ngoài ra, lưu ý rằng, việc sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện trước khi hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài.
Một số lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đối với bị đơn
Khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, Bị đơn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Bị đơn phải lưu ý về các mốc thời gian nộp bản tự bảo vệ, nộp đơn kiện lại, sửa đổi bổ sung bản tự bảo vệ, sửa đổi bổ sung đơn kiện lại để đảm bảo tối ưu quyền lợi.
- Nội dung bản tự bảo vệ phải tuân thủ quy định tại về nội dung theo luật định và mẫu đơn theo trung tâm trọng tài quy định.
- Kiểm tra về điều kiện thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền trọng tài để không rơi vào trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện được; thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
- Lựa chọn trọng tài viên kèm theo nội dung bản tự bảo vệ.

Hỏi – Đáp về soạn thảo bản tự bảo vệ của bị đơn khi bị kiện tại trung tâm trọng tài
Dưới đây là tổng hợp những hỏi – đáp xoay quanh về soạn thảo bản tự bảo vệ của bị đơn khi bị kiện tại trung tâm trọng tài.
Hậu quả pháp lý nếu bị đơn không nộp bản tự bảo vệ đúng thời hạn là gì?
Nếu bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn luật định hoặc thời hạn được gia hạn, Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp dựa trên các tài liệu và chứng cứ hiện có do nguyên đơn cung cấp (Căn cứ Khoản 5 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Bị đơn có thể đưa ra yêu cầu kiện lại cùng với bản tự bảo vệ không?
Căn cứ Điều 36 Luật Trọng tài thương mại 2010, bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn đối với những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ.
Bản tự bảo vệ có yêu cầu cụ thể về ngôn ngữ không?
Ngôn ngữ của bản tự bảo vệ phải tuân theo ngôn ngữ tố tụng trọng tài đã được các bên thỏa thuận hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định theo Điều 10 Luật Trọng tài thương mại 2010. Nếu ngôn ngữ tố tụng là tiếng Việt, các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch thuật công chứng.
Bị đơn có thể phản đối thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong bản tự bảo vệ không?
Có. Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ theo khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Trong trường hợp bị đơn chưa lựa chọn được Trọng tài viên khi nộp bản tự bảo vệ tại Trung tâm trọng tài, quy trình sẽ diễn ra như thế nào?
Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn quy định khi nộp bản tự bảo vệ, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên cho bị theo quy tắc tố tụng của Trung tâm đó đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài hoặc nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc. (Điều 40, 41 Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc của các trung tâm).
Những sai sót phổ biến nào cần tránh khi soạn thảo bản tự bảo vệ?
Các sai sót thông thường khi soạn thảo bản tự bảo vệ bao gồm: nộp trễ hạn; không phản hồi đầy đủ các yêu cầu của nguyên đơn; thiếu cơ sở pháp lý hoặc chứng cứ cho các luận điểm bảo vệ; không nêu rõ yêu cầu cụ thể (ví dụ: không đồng ý toàn bộ/một phần yêu cầu của nguyên đơn); không tuân thủ quy định về hình thức, ngôn ngữ.
Sau khi bị đơn nộp bản tự bảo vệ, nguyên đơn có quyền nêu ý kiến không và bị đơn có được trả lời ý kiến đó không?
Quy tắc tố tụng của nhiều Trung tâm trọng tài cho phép nguyên đơn nộp bản ý kiến đối với bản tự bảo vệ của bị đơn. Tùy thuộc vào quy tắc cụ thể và quyết định của Hội đồng trọng tài, bị đơn cũng có thể nộp bản trả lời bổ sung đối với ý kiến đó.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận trọng tài được xác định là vô hiệu sau khi bản tự bảo vệ đã được nộp?
Nếu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài sẽ phải đình chỉ giải quyết tranh chấp. Khi đó, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án theo thủ tục chung. (Căn cứ Điều 13, Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Tư vấn, hướng dẫn soạn thảo bản tự bảo vệ tại trọng tài thương mại
Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu hỗ trợ khách hàng là Bên bị kiện trong quá trình tố tụng trọng tài thương mại, cụ thể bao gồm:
- Thẩm định kỹ lưỡng đơn khởi kiện cùng các tài liệu liên quan do nguyên đơn cung cấp.
- Tham vấn và xây dựng phương án bảo vệ tối ưu, nhận diện các luận điểm pháp lý cốt yếu và chứng cứ chủ chốt.
- Soạn thảo bản tự bảo vệ một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài.
- Hỗ trợ xác định chứng cứ củng cố cho lập luận bào chữa.
- Tham vấn về việc lựa chọn Trọng tài viên thích hợp.
- Hướng dẫn chuẩn bị và nộp đơn kiện lại (nếu có).
- Đại diện theo ủy quyền hoặc tham gia trong các giai đoạn của quy trình tố tụng trọng tài.
Kết luận
Việc soạn thảo bản tự bảo vệ trong tố tụng trọng tài đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành. Để đảm bảo quyền lợi và vị thế pháp lý của Quý khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc chuẩn bị một bản tự bảo vệ đầy đủ, rõ ràng và đúng thời hạn là điều kiện tiên quyết. Đội ngũ luật sư của Luật Long Phan PMT sẵn sàng hỗ trợ Quý khách hàng từ khâu tư vấn, soạn thảo đến việc nộp và theo dõi tiến trình giải quyết tại Hội đồng trọng tài. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, xin vui lòng liên hệ hotline 1900636387 để được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Tags: Bản tự bảo vệ trọng tài, Hướng dẫn soạn bản tự bảo vệ, Mẫu bản tự bảo vệ, Thời hạn nộp bản tự bảo vệ, Trình tự giải quyết trọng tài
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.