Dịch vụ Luật sư giải quyết thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là hoạt động nhằm mục đích đưa phán quyết của Tòa án đi vào thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, thủ tục này rất phức tạp và có khả năng kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Do đó, Dịch vụ Luật sư giải quyết thi hành án được ra đời nhằm giúp khách hàng giải quyết những khó khăn này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số chỉ dẫn pháp lý về thủ tục luật định và những công việc Luật sư phải làm để hiểu rõ hơn về dịch vụ pháp lý này nhé.

Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án 

Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án 

>>>Xem thêm:Quy Định Tự Thỏa Thuận Thi Hành Án

Trình tự thủ tục thi hành một bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật

Yêu cầu thi hành án

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự (Luật THADS) 2008 thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Thời hạn này cũng chính là thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Ngoài ra, trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Theo quy định tại Điều 31 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung sau đây:

  • Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
  • Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
  • Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
  • Nội dung yêu cầu thi hành án;
  • Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

Bên cạnh đó, người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan để chứng minh quyền yêu cầu thi hành án và các tiêu chí khác tùy vào những trường hợp cụ thể.

Hiện nay, người yêu cầu thi hành án thực hiện soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án theo mẫu số D04-THADS đơn yêu cầu thi hành án dân sự được ban hành kèm theo thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục về quản lý hành chính và nghiệp vụ trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ tư pháp ban hành. 

Quyết định thi hành án

Ban hành quyết định thi hành án

Căn cứ Điều 36 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cũng có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án mà không cần đợi có yêu cầu thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:

  • Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
  • Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
  • Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
  • Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án. Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Những trường hợp còn lại thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Quyết định thi hành án phải có đầy đủ các nội dung sau đây:

  • Ghi rõ họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
  • Số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định;
  • Tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành;
  • Phần nghĩa vụ phải thi hành án;
  • Thời hạn tự nguyện thi hành án.

Tống đạt quyết định Thi hành án

Theo quy định tại Điều 38 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014, sau khi ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc. Đối với quyết định cưỡng chế thi hành án, ngoài Viện kiểm sát thì cơ quan thi hành án phải gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Cùng với việc gửi quyết định thi hành án cho Viện kiểm sát cùng cấp thì cơ quan thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ.

Yêu cầu người phải THA chấp hành quyết định thi hành án

Ngoài quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó như giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án theo quy định tại Điều 39 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014.

Trong trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì việc thông báo này phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc.  Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • Niêm yết công khai: thường được áp dụng khi người phải thi hành án không có nơi cư trú rõ ràng, cơ quan thi hành án sẽ gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng để thực hiện niêm yết (Điều 42 Luật THADS 2008)
  • Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng: thường được áp dụng khi cá nhân, tổ chức, cơ quan là đương sự có yêu cầu. Việc thông báo được thực hiện trên báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình được thành lập hợp pháp tại Việt Nam (Điều 43 Luật THADS 2008)
  • Thông báo trực tiếp bằng văn bản: đây là hình thức thông báo được áp dụng nhiều nhất. Văn bản thông báo phải gửi trực tiếp cho cá nhân (phải có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận), cho cơ quan, tổ chức (phải có chữ ký nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản) (Điều 40,41 Luật THADS 2008)

Xác minh điều kiện thi hành án

Việc xác minh điều kiện thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014, cụ thể như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:

  • Xuất trình thẻ Chấp hành viên;
  • Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;
  • Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;
  • Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;
  • Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;
  • Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.

Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

Tuy nhiên cần lưu ý trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Việc cưỡng chế thi hành án dân sự phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật

Việc cưỡng chế thi hành án dân sự phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật

Cưỡng chế thi hành án

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 46 Luật THADS 2008.

Căn cứ quy định tại Điều 71 Luật THADS thì có các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Trong trường hợp cần huy động lực lượng, Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án có các nội dung chính theo Điều 72 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung 2014 sau đây:

  • Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế;
  • Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;
  • Thời gian, địa điểm cưỡng chế;
  • Phương án tiến hành cưỡng chế;
  • Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế;
  • Dự trù chi phí cưỡng chế.

Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của Chấp hành viên.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.

Kê biên tài sản để thi hành án

Tài sản không được kê biên.

Căn cứ Điều 87 Luật THADS 2008 thì những tài sản sau đây không được kê biên

Một là, tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

Hai là, tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:

  • Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
  • Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
  • Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
  • Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
  • đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
  • Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.

Ba là, tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

  • Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
  • Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
  • Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Thực hiện việc kê biên

Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.

Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khóa, phá khóa, mở gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khóa, phá khóa, mở gói.

Trường hợp cần thiết, sau khi mở khóa, phá khóa, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định tại Điều 58 của Luật THADS 2008. Việc mở khóa, phá khóa, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.

Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ các nội dung theo Điều 88 Luật THADS 2008 như sau:

  • Giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản;
  • Diễn biến của việc kê biên;
  • Mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.

Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.

Tùy vào từng loại tài sản cũng như tính chất của tài sản tại thời điểm thi hành án mà pháp luật thi hành án dân sự có quy định riêng biệt, có thể liệt kê theo Luật THADS như sau:

  • Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 89 Luật THADS 2008)
  • Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp ((Điều 90 Luật THADS 2008)
  • Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ (Điều 91 Luật THADS 2008)
  • Kê biên vốn góp (Điều 92 Luật THADS 2008)
  • Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói (Điều 93 Luật THADS 2008)
  • Kê biên tài sản gắn liền với đất (Điều 94 Luật THADS 2008)
  • Kê biên nhà ở (Điều 95 Luật THADS 2008)
  • Kê biên phương tiện giao thông (Điều 96 Luật THADS 2008)
  • Kê biên hoa lợi (Điều 97 Luật THADS 2008)

Chi phí thi hành án

Người phải nộp phí thi hành án dân sự

Tại khoản 7 Điều 3 Luật THADS 2008 quy định về trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự như sau:

“ Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định”, như vậy người có trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự là người được thi hành án, tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

Phí thi hành án dân sự

Đối với mức phí thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC như sau:

Thứ nhất, người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:

  • Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
  • Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
  • Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
  • Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
  • Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.

Thứ hai, đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.

Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:

Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;

Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng – 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.

Thứ ba, đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.

Thứ tư, đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này.

Thứ năm, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận.

Cơ quan thu phí thi hành án dân sự

Tại Điều 3 Thông tư số 216/2016/TT-BTC này quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thu phí thi hành án dân sự”. Theo đó cơ quan THADS nơi tổ chức thi hành vụ việc, nơi chi trả tiền, tài sản cho người được thi hành án là cơ quan có trách nhiệm thu phí thi hành án.

Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án dân sự tận tâm

Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án dân sự tận tâm

Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án dân sự

Tư vấn, lên phương án thi hành án

  • Tư vấn các quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
  • Tư vấn, hướng dẫn các thủ tục thi hành án, thẩm quyền, thời hiệu thi hành án;
  • Tư vấn xác định điều kiện để thi hành án;
  • Tư vấn, hỗ trợ các biện pháp bảo đảm thi hành án, cưỡng chế thi hành án…
  • Tư vấn, hướng dẫn khiếu nại, tố cáo và kháng nghị trong thi hành án dân sự;
  • Dự thảo phương án thi hành án tư vấn giải thích cho khách hàng lựa chọn phương án tối ưu theo nhu cầu.

Soạn thảo đơn từ, văn bản

  • Soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án;
  • Soạn thảo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án;
  • Soạn thảo đơn yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ
  • Soạn thảo đơn đề nghị được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
  • Soạn thảo đơn Khiếu nại, tố cáo về thi hành án khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật.

Nhận ủy quyền thi hành án

Luật sư nhận ủy quyền khách hàng thực hiện yêu cầu thi hành án dân sự, các công việc khác liên quan trong quá trình thi hành án để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Xác minh, thu thập chứng cứ

Luật sư thực hiện các hoạt động xác minh thu thập tài chứng cứ về điều kiện thi hành án. Liên hệ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin cần thiết để thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trong trường hợp cần thiết luật sư đề nghị Chấp hành viên thu thập tài liệu chứng cứ theo đúng thẩm quyền được quy định.

Khiếu nại hành vi thi hành án trái quy định pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ xác định Chấp hành viên hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thi hành án có hành vi trái quy định pháp luật, luật sư tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực hiện quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết thỏa đáng.

Tố giác khi có dấu hiệu hình sự trong quá trình thi hành án.

Khi phát hiện các chủ thể liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự khách hàng có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật hình sự, luật sư tư vấn quyền tố giác, thủ tục tố giác tội phạm để khách hàng thực hiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, hạn chế những rũi ro không cần thiết trong quá trình thi hành án.

Trên đây là bài viết về dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án dân sự tại Long Phan PMT. Nếu Quý khách có nhu cầu cần được hỗ trợ gửi tài liệu, đặt lịch gặp luật sư trao đổi qua tổng đài vui lòng liên hệ chúng tôi theo số Hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời. Luật sư của Long Phan PMT hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau.

Luật Long Phan PMT

Công Ty Long Phan PMT hướng đến trở thành một CÔNG TY LUẬT uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TƯ VẤN PHÁP LUẬT, cung cấp DỊCH VỤ LUẬT SƯ pháp lý. Luật Long Phan PMT hoạt động với phương châm ☞ "lấy chữ tín lên hàng đầu", "xem khách hàng như người thân", làm việc nhanh chóng, hiệu quả. Điều hành bởi Thạc sĩ – Luật sư Phan Mạnh Thăng nỗ lực không ngừng để trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của mọi cá nhân, tổ chức.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87