Trình tự, thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính

Thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính là một chế định của Luật Tố tụng Hành chính. Việc mở phiên tòa xét xử phúc thẩm cần đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các bên cũng như xem xét tính hợp pháp thủ tục kháng cáo, kháng nghị, khắc phục những sai sót của bản án, quyết định sơ thẩm. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho quý đọc giả thủ tục khi tòa án mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính.

Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính

Phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính sẽ được mở khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định là tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; hoặc là đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn nhưng không được quá 30 ngày.

Như vậy, thời hạn tối đa để ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm là 90 ngày.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 60 ngày.

Như vậy, thời hạn để Tòa án mở phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án hành chính kể từ ngày thụ lý vụ án là từ 90 đến 150 ngày, tùy theo tính chất phức tạp của vụ án

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật

Cơ sở pháp lý: Điều 221 Luật Tố tụng Hành chính 2015

>>> Xem thêm: Thời gian đưa vụ án hành chính ra xét xử là bao lâu

Thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính

Bắt đầu phiên tòa phúc thẩm

Thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm được thực hiện tương tự thủ tục xét xử sơ thẩm, cụ thể như sau:

  • Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
  • Thư ký phiên tòa báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.
  • Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự.
  • Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
  • Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch.
  • Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không; hỏi những người có quyền về người giám định có vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này không.
  • Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
  • Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.

Sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Chủ tọa phiên tòa hỏi về vấn đề sau đây:

  • Hỏi người khởi kiện có rút đơn khởi kiện hay không;
  • Hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không;
  • Hỏi đương sự có thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.

Nếu khi được hỏi trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Kiểm sát viên rút một phần kháng nghị thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên bổ sung nội dung mới không thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu thì Tòa án không xem xét nội dung đó.

Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của bản án sơ thẩm bị kháng nghị.

Cơ sở pháp lý: Điều 233 Luật Tố tụng Hành chính 2015, Điều 169 Luật Tố tụng Hành chính 2015

Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm

Tranh tụng là việc các bên tham gia xét xử đưa ra các chứng cứ để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình, đồng thời phản bác lại quan điểm và lợi ích của bên còn lại. Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm hành chính được thực hiện như sau

Một là, nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 236, Điều 175 Luật Tố tụng Hành chính 2015, cụ thể như sau:

  • Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án.
  • Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.
  • Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt ý kiến không liên quan đến vụ án.

Hai là, về thủ tục trình bày tại phiên tòa, khi đương sự vẫn giữ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát vẫn giữ kháng nghị thì việc trình bày tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như sau:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;

Trường hợp tất cả đương sự đều kháng cáo thì việc trình bày được thực hiện theo thứ tự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện kháng cáo và người khởi kiện; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện kháng cáo và người bị kiện; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

  • Trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị. Trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo trước, sau đó Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khác có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.
  • Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị và đề nghị của mình.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho vụ án được sáng tỏ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Cơ sở pháp lý: Điều 237 Luật Tố tụng Hành chính 2015

Ba là, về thủ tục tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.

Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
  • Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa;
  • Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Trình tự tranh luận đối với kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện như sau:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ đối với kháng nghị của Viện kiểm sát. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
  • Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu;

Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình tranh luận;

Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Cơ sở pháp lý: Điều 239 Luật Tố tụng Hành chính 2015

Bốn là, sau thủ tục tranh luận và đối đáp của các bên đã hoàn thành, Kiểm sát viên sẽ phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Cơ sở pháp lý: Điều 240 Luật Tố tụng Hành chính 2015

Như vậy, việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.

>>>Xem thêm: Hoãn phiên tòa hành chính trong trường hợp nào?

Tuyên án

Khoản 1 Điều 233 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định nghị án, tuyên án phúc thẩm được thực hiện tương tự thủ tục tuyên án sơ thẩm.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử sẽ vào phòng nghị án để nghị án. Nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

Sau khi kết thúc nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra bản án phúc thẩm và tuyên án. Việc tuyên án được thực hiện như sau:

  • Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án có mặt các đương sự. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt theo quy định tại khoản 5 Điều 191 của Luật tố tụng hành chính thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án. Trường hợp xét xử kín theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật tố tụng hành chính thì Hội đồng xét xử tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.
  • Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy, trừ trường hợp đặc biệt có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án và có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo.
  • Trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết.

Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án và được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát và Tòa án sơ thẩm đã giải quyết vụ án, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra bản án.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 191, Điều 192, Điều 195, khoản 1 Điều 233, khoản 7 Điều 242, Điều 244  Luật Tố tụng Hành chính 2015

Như vậy, trình tự mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính sẽ được thực hiện theo quy định như trên.

>>> Xem thêm: Thủ tục kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm

Thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm

Thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính được quy định như sau:

  1. Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
  2. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp sau đây:
  • Việc chứng minh, thu thập chứng cứ đã thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VI của Luật Tố tụng Hành chính 2015;
  • Việc chứng minh, thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.
  1. Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong trường hợp:
  • Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc;
  • Phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được;
  1. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án nếu trong quá trình xét xử sơ thẩm có một trong các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng Hành chính 2015;
  2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm, nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án cần phải có mặt người kháng cáo và họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Trường hợp này bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật;
  3. Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền và báo cáo Chánh án Tòa án có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để giải quyết vụ án.

  1. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 112 của Luật Tố tụng Hành chính 2015 thực hiện việc kiến nghị.

Trường hợp này, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

Cơ sở pháp lý: Điều 241 Luật Tố tụng Hành chính 2015

Như vậy, thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.

Luật sư tư vấn thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính

Dịch vụ luật sư tư vấn thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính sẽ thực hiện các công việc sau theo quá trình tố tụng

  • Tư vấn, xem xét các căn cứ, điều kiện kháng cáo dựa trên hồ sơ khách hàng cung cấp;
  • Tư vấn thủ tục đối thoại trong vụ án hành chính
  • Tư vấn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính
  • Tư vấn về thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm; nộp tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm;
  • Tư vấn về trình tự, thủ tục kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm
  • Tư vấn, hướng dẫn khách hàng viết đơn kháng cáo;hỗ trợ khách hàng chuẩn bị các tài liệu kèm theo đơn kháng cáo; chuẩn bị hồ sơ kháng cáo phúc thẩm vụ án hành chính;
  • Hỗ trợ soạn thảo các đơn từ tài liệu có liên quan khác;
  • Đại diện cho khách hàng tham gia tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính.
  • Luật sư bảo vệ quyền lợi trong phiên tòa hành chính phúc thẩm
  • Tư vấn thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính;

Tư vấn phúc thẩm vụ án hành chính

Tư vấn phúc thẩm vụ án hành chính

>>>Xem thêm: Luật sư làm gì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính

Thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm nhằm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo kháng nghị. Việc mở phiên tòa sẽ được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục luật định nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nếu có vướng mắc về thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính hoặc có nhu cầu sử dụng Dịch vụ Luật sư thay mặt tiến hành việc khởi kiện hãy liên hệ ngay qua hotline 1900.63.63.87 để được đội ngũ luật sư hành chính tư vấn, giải đáp.

Scores: 4.6 (58 votes)

Tham vấn Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi - Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn về lĩnh vực hành chính và đất đai. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện, thay mặt làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8