Để phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần phải nắm được định nghĩa cũng như những quy định riêng về hai hoạt động này. “Nhượng quyền thương mại” và “chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ” là hai hoạt động tuy được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau nhưng có một số đặc điểm dễ gây nhầm lẫn.. Hãy cùng làm rõ hai khái niệm trên trong bài viết dưới đây.
Phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Mục Lục
- 1 Quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại
- 2 Quy định của pháp luật về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
- 3 Phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
- 4 Ưu và nhược điểm của nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
- 4.1 Nhượng quyền thương mại
- 4.1.1 Ưu điểm
- 4.1.2 Nhược điểm
- 4.2 Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
- 4.2.1 Ưu điểm
- 4.2.2 Nhược điểm
- 4.1 Nhượng quyền thương mại
Quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại
Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 (LTM 2005), nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Cụ thể:
- Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. “Bên nhượng quyền” là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
- “Bên nhận quyền” là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp.
>>> Xem thêm: Điều kiện cần có khi tiến hành nhượng quyền thương mại
Quy định của pháp luật về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan
Khoản 1 Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT) 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) quy định chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cho phép người khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền thuộc quyền sử dụng đối với quyền tác giả, quyền liên quan của mình như quyền công bố tác phẩm, quyền tài sản,…
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 LSHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
>>> Xem thêm: Nhãn hiệu đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ có được ký hợp đồng nhượng quyền không?
Phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Về đối tượng:
Hợp đồng nhượng quyền thương mại có đối tượng rộng hơn, bao gồm các đối tượng sở hữu công nghiệp và các yếu tố khác (bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo).
Trong khi đó, đối tượng của chuyển quyền sở hữu trí tuệ chỉ áp dụng cho các đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu công nghiệp.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại có đối tượng rộng hơn đối tượng của chuyển quyền sở hữu trí tuệ
Chủ thể và mối quan hệ giữa các chủ thể:
Trong hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều phải có tư cách thương nhân và đáp ứng đầy đủ những điều kiện do pháp luật quy định. Giữa các chủ thể này có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ: Bên nhận quyền phải tuân theo những tiêu chuẩn kĩ thuật do bên nhượng quyền đặt ra, đồng thời phải chịu kiểm soát của bên nhượng quyền; Bên nhượng quyền có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ bên nhận quyền trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng.
Ngược lại, các chủ thể trong hoạt động chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ không bắt buộc phải có tư cách thương nhân. Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHCN ngoài việc sử dụng đối tượng SHTT của bên giao thì không còn mối quan hệ nào với chủ thể giao.
Chi phí:
Phí trong thời gian hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là phí trả cho từng đối tượng chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp cụ thể. Còn phí trong hợp đồng nhượng quyền thương mại chính là khoản tiền trả cho việc sử dụng tổng hợp mọi quyền sở hữu trí tuệ được giao bởi bên nhượng quyền.
Ưu và nhược điểm của nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Nhượng quyền thương mại
Ưu điểm
Hoạt động nhượng quyền thương mại mang lại nhiều lợi ích cho cả bên nhận quyền và bên nhượng quyền:
Đối với bên nhận quyền:
- Giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường;
- Nâng cao khả năng thành công khi sử dụng các giá trị thương hiệu của bên nhượng quyền.
Đối với bên nhượng quyền:
- Mở rộng hoạt động kinh doanh bằng chính đồng vốn của bên nhận quyền;
- Giảm chi phí cho việc thâm nhập thị trường;
- Tăng giá trị vô hình: lợi thế trong việc quảng cáo, quảng bá thương hiệu;
- Tăng doanh thu.
Nhược điểm
Bên cạnh những lợi ích kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại thì hình thức này cũng tồn tại những rủi ro nhất định:
Đối với bên nhượng quyền:
- Việc duy trì, kiểm soát đối với bên nhận quyền có thể gặp khó khăn và sự bất đồng với bên nhận quyền có thể xảy ra, bao gồm cả những tranh chấp pháp lý;
- Đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá tình hình hoạt động của bên nhận quyền, cung cấp sự hỗ trợ thường xuyên;
- Bên nhận quyền có thể lợi dụng kiến thức thu được, trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai;
- Việc bảo vệ hình ảnh của bên chuyển nhượng tại thị trường nước ngoài có thể gặp nhiều khó khăn.
Đối với bên nhận quyền:
- Khoản đầu tư hay khoản tiền thuê quyền thương mại ban đầu có thể có giá trị lớn. Bên nhận quyền buộc phải mua nguồn cung, thiết bị, sản phẩm từ bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền nắm giữ nhiều quyền hành, trong đó có quyền thỏa thuận giá cả;
- Số lượng cửa hàng của bên nhượng quyền có thể tăng lên nhanh chóng trong khu vực, từ đó tạo ra các đối thủ cạnh tranh cho bên nhận quyền;
- Bên nhượng quyền có thể áp đặt các hệ thống kỹ thuật hay quản lý không phù hợp với bên nhận quyền.
Hoạt động nhượng quyền thương mại mang lại nhiều lợi ích cho cả bên nhận quyền và bên nhượng quyền
Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Ưu điểm
Về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hai lợi điểm:
- Thứ nhất, chúng ta có khả năng chọn các đối tượng có tính ứng dụng được vào thực tiễn, không mất công mày mò nghiên cứu
- Thứ hai, chúng ta được hỗ trợ những kiến thức kỹ thuật và các dịch vụ đi kèm một cách có hệ thống
Nhược điểm
Tuy nhiên, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp tồn tại một số hạn chế:
- Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.
- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
- Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Trên đây là bài viết Phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, nếu quý bạn đọc có gì thắc mắc về nội dung quyền sở hữu trí tuệ hoặc muốn tìm kiếm vấn đề pháp lý liên quan khác, xin vui lòng liên hệ qua hotline: 1900.63.63.87 để được chúng tôi hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.