Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi nào? Đâu là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là gì? Bài viết sau đây sẽ tư vấn cho các bạn biết những vấn đề pháp lý cần thiết về việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Mục Lục
Thế nào là đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc tòa án ra một quyết định để chấm dứt việc giải quyết vụ án dân sự cũng như ngừng hẳn mọi hoạt động tố tụng của vụ án dân sự đó khi có những căn cứ do pháp luật quy định.
Phân biệt đình chỉ và tạm đình chỉ
Khác với đình chỉ, tạm đình chỉ chỉ là tạm thời ngưng giải quyết vụ án dân sự vì một số lý do tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Ngoài ra, Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.
Căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 217, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
- Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
- Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
- Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
>>> Xem thêm: Luật sư có được yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không?
Hậu quả pháp lý
Theo Điều 218, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do sau đây thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt
Tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp sẽ được trả lại cho họ nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do sau đây:
- Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện
- Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó
- Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này
- Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết
- Các trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện.
Hướng xử lý khi Tòa ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trái pháp luật
Như đã phân tích ở trên, việc khởi kiện lại một vụ án dân sự đã có ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là bị hạn chế, chỉ có một số trường đủ điều kiện theo luật định mới có thể khởi kiện lại. Do đó, hướng xử lý dễ dàng trong trường hợp này là tiến hành kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Mẫu đơn kháng cáo dân sự
Trên đây là bài viết tư vấn về vấn đề Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi nào cũng như hướng xử lý khi Tòa ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trái pháp luật. Nếu quý khách còn có thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc cần hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ, hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.