Kiện bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình bên cạnh là tranh chấp phổ biến trong đời sống hiện nay. Để biết được quy định và thủ tục khởi kiện đúng theo quy định pháp luật, Công ty Luật Long Phan xin cung cấp đến quý bạn đọc bài viết hướng dẫn khởi kiện đòi bồi thường khi phát sinh tranh chấp.
Mục Lục
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao chiếm hữu, người được giao sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao chiếm hữu, người được giao sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Tổ chức thi công xây dựng công trình
Theo quy định tại (khoản 5, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP), trường hợp tổ chức thi công xây dựng công trình:
Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Các khoản bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 589 BLDS 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Theo đó, thiệt hại phải được bồi thường dựa trên nguyên tắc:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Để biết được chính xác nhà cửa có bị hư hại hay không thì có thể thực hiện giám định thiệt hại, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết về thủ tục giám định: Thủ tục giám định thiệt hại do xây dựng nhà kế bên gây ra là gì
Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường
Thẩm quyền giải quyết
Tranh chấp bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh được các định là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên:
- Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
- Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết.
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc theo thỏa thuận của đương sự.
Thành phần hồ sơ
Khi tiến hành khởi kiện cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
- Mẫu đơn khởi kiện bồi thường do nhà bị hư hại từ công trường xây dựng liền kề;
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: hình ảnh ngôi nhà bị thiệt hại do công trình xây dựng kế bên gây ra, hợp đồng thuê nhà mà bên bị thiệt hại đã phải thuê khi nhà bị hư hại không thể tiếp tục cư trú,…
Thủ tục thực hiện
- Nộp đơn khởi kiện KÈM THEO CÁC TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ đến Tòa án có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong số các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do.
- Sau khi vụ án được thụ lý, Tòa án phải tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn không quá 02 tháng.
- Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục luật định.
- Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án, đương sự có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Bài viết trên cũng đã phần nào giúp bạn được hiểu được về quy trình khởi kiện bồi thường khi công trình xây dựng bên cạnh gây ảnh hưởng và làm hư hại đến nhà ở của mình.
Để được tư vấn cụ thể và hỗ trợ trực tiếp từ luật sư về thủ tục đòi bồi thường thiệt hại, vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hotline 1900636387. Xin cảm ơn.
Cho hỏi Luật sư: Do mưa bão làm căn ngói rơi gây thiệt hại lớn cho nhà bên cạnh (mái tôn bị lủng, pin năng lượng mặt trời bụ bể hư hỏng không sử dụng được) thì trách nhiệm chủ nhà thế nào ?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo đó:
“Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Như vậy, việc mưa bão làm căn ngói rơi gây thiệt hại lớn cho nhà bên cạnh là do sự kiện bất khả kháng ( mưa lớn) , nên bạn có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Cho e xin được hỏi ạ:
Công trình thi công cầu và lộ làm cho nước tràn vào vuông tôm của e gâ
Chảo bạn,
bạn vui lòng trình bày chi tiết cụ thể nội dung cần tư vấn hoặc liên hệ trực tiếp qua hotline bên dưới để được luật sư tư vấn cụ thể chi tiết hơn
Trân trọng!
Chào luật sư, nhờ luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề sau:
Nhà hàng xóm có tolet sát tường nhà tôi nhưng do bị rò rỉ hệ thống nước âm tường nên làm ẩm mốc tường nhà tôi, làm bong đá lát nền phòng khách cũng như hư hại tủ âm tường của nhà tôi. Trước đây chưa bị bong nền mà chỉ ẩm mốc tường tôi đã qua nói chuyện và yêu cầu sửa nhưng vẫn không khắc phục. Đã báo lên phường nhưng vẫn không giải quyết được.
Như vậy trách nhiệm của hàng xóm như thế nào? Tôi nên làm gì để xử lý vấn đề này.
Cám ơn Luật sư!
Chào bạn, với nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, nhà hàng xóm đã có hành vi không khắc phục việc rò rỉ hệ thống nước gây thiệt hại đến tài sản của bạn. Như vậy, có căn cứ để buộc nhà hàng xóm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Theo như bạn trình bày, bạn đã báo lên phường nhưng vẫn không giải quyết được nên để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu nhà hàng xóm bồi thường thiệt hại và khắc phục hệ thống nước bị rò rỉ.
Căn cứ theo khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Vì bị đơn – người xâm phạm lợi ích của bạn là hàng xóm của bạn, có nghĩa là bị đơn có cùng nơi cư trú với bạn nên bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi của bạn. Nếu còn bất kỳ vướng mắc, khó khăn về vấn đề này hoặc cần tư vấn pháp lý về các vấn đề khác bạn vui lòng liên hệ qua Tổng đài: 1900.63.63.87 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể.
Chào luật sư. Vấn đề của tôi là vào 2 ngày trước công trình đang thi công ngay sát nhà tôi, trong khi đang thi công trên tầng 6 thì có một công nhân đã bị ngã từ trên tầng 6 xuống dưới nóc nhà tôi (nhà tôi 1 tầng) và công nhân đó thiệt mạng. Vậy xin cho tôi hỏi giờ gia đình tôi phải giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật ạ? Mong luật sư có thể trả lời câu hỏi này của tôi. Tôi cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Công ty Luật Long Phan PMT. Về thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của chủ nhà đã thuê người thợ bị thiệt mạng. gia đình bạn không có trách nhiệm gì trong vụ việc này.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn!