Thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ phát sinh trong nhiều giao dịch thương mại và đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được pháp luật công nhận hiệu lực. Các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam đặt ra những điều kiện cụ thể cho việc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán. Bài viết phân tích khung pháp lý và các trường hợp thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ được chấp nhận theo quy định hiện hành.

Khung pháp lý về thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam
Khung pháp lý về thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo nên hệ thống kiểm soát và quản lý chặt chẽ đối với các giao dịch liên quan đến ngoại tệ. Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam áp dụng nguyên tắc hạn chế đô la hóa nền kinh tế, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt cho các giao dịch quốc tế.
Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh việc thanh toán bằng ngoại tệ bao gồm Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, và Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, đồng Việt Nam (VND) được xác định là phương tiện thanh toán chính thức trên lãnh thổ Việt Nam, và việc thanh toán bằng ngoại tệ chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép.
Theo quy định “ngoại tệ” được hiểu là phương tiện thanh toán bằng ngoại hối, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan tiền tệ nước ngoài phát hành, các phương tiện thanh toán khác bằng ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò trọng yếu trong việc ban hành quy định, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định về thanh toán bằng ngoại tệ, đảm bảo việc tuân thủ chính sách quản lý ngoại hối quốc gia.
Các trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ
Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép thực hiện thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong một số trường hợp cụ thể và có điều kiện. Các trường hợp này được quy định rõ trong Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch quốc tế đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống tiền tệ trong nước.
Để thực hiện các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ nêu trên, các bên liên quan cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết bao gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ có yếu tố nước ngoài, giấy phép đầu tư (đối với hoạt động đầu tư), giấy đăng ký khoản vay nước ngoài, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, tờ khai hải quan (đối với xuất nhập khẩu), và các chứng từ khác theo yêu cầu của ngân hàng phục vụ thanh toán.
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, Khoản 1 Điều 1 Thông tư 16/2015/TT-NHNN và Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-NHNN thì các trường hợp được sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó một số trường hợp liên quan đến việc thanh toán trong hợp đồng bao gồm:
Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với tổ chức khác
Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân
Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.
Người cứ trú thanh toán trong hoạt động góp vốn
Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu
Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:
- Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;
- Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.
Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài
Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định sau:
- Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo quy định tại Luật Đấu thầu: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
- Đối với việc thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về dầu khí: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm
Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau:
- Được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
- Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.
Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế
Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa. Ngoại tệ sử dụng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng miễn thuế.
Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế
Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài
Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên thực hiện theo quy định sau:
- Được thay mặt cho hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với cước phí vận tải hàng hóa quốc tế. Việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng Việt Nam;
- Được chi hộ bằng ngoại tệ chuyển khoản để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại cảng biển quốc tế, khu cách ly tại sân bay quốc tế;
- Được chi hộ bằng ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú do hãng tàu biển nước ngoài ủy quyền.
Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất
Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:
- Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;
- Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.
Tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch
Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.
Tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động
Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự
Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Người không cư trú
Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:
- Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;
- Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.
Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí
Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp theo hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định.

Các hạn chế và điều cấm
Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối và Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều không được phép thực hiện bằng ngoại tệ, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP việc thanh toán bằng ngoại tệ hay ghi giá trong hợp đồng không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc tùy theo giá trị hàng hóa thanh toán bằng ngoại tệ mà quy định mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mức phạt quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hậu quả pháp lý của việc thực hiện thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ trái quy định không chỉ dừng lại ở các chế tài hành chính mà còn ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Do đó, điều khoản về thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng, nếu thuộc trường hợp bị cấm, có thể bị tuyên bố vô hiệu, dẫn đến việc các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Luật sư tư vấn pháp luật về thanh toán bằng ngoại tệ
Luật sư của Luật Long Phan PMT sẽ thực hiện các công việc sau khi tư vấn về thanh toán bằng ngoại tệ:
- Soạn thảo, rà soát điều khoản thanh toán trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về ngoại hối
- Tư vấn về quy trình, thủ tục và chứng từ cần thiết để thực hiện thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ
- Đại diện khách hàng làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối
- Cung cấp giải pháp pháp lý cho các vấn đề phát sinh liên quan đến thanh toán bằng ngoại tệ
- Đánh giá rủi ro pháp lý và đề xuất biện pháp phòng ngừa trong giao dịch có thanh toán bằng ngoại tệ
- Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến việc thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ

Các câu hỏi thường gặp
Dưới đây là giải đáp các thắc mắc thường gặp:
Những loại ngoại tệ nào được phép sử dụng trong thanh toán tại Việt Nam?
Theo quy định, “ngoại tệ” bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan tiền tệ nước ngoài phát hành và các phương tiện thanh toán khác bằng ngoại hối. Các loại ngoại tệ phổ biến thường được sử dụng trong giao dịch tại Việt Nam bao gồm đô la Mỹ (USD), euro (EUR), yên Nhật (JPY), v.v.
Giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ giữa hai doanh nghiệp trong nước có được phép không?
Thông thường, các giao dịch thanh toán giữa hai doanh nghiệp trong nước phải sử dụng đồng Việt Nam (VND). Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như doanh nghiệp chế xuất mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu.
Mức phạt đối với hành vi thanh toán bằng ngoại tệ trái quy định là bao nhiêu?
Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa thanh toán bằng ngoại tệ. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hợp đồng có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ trái quy định có hiệu lực không?
Theo điều 123 Bộ luật dân sự 2015 giao dịch dân sự có mục đích nội dung vi phạm điều cấm của luật sẽ vô hiệu. Do đó điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng trái với qui định, sẽ bị tuyên vô hiệu.
Cá nhân có được phép nhận thanh toán bằng ngoại tệ không?
Các nhân thông thường phải nhận thanh toán bằng VND, các trường hợp được nhận thanh toán bằng ngoại tệ rất hạn chế và phải đúng với quy định của nhà nước.
Doanh nghiệp chế xuất có được thanh toán bằng ngoại tệ khi mua hàng nội địa không?
Doanh nghiệp chế xuất được phép thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu.
Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế có được nhận thanh toán bằng ngoại tệ không?
Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Những giấy tờ cần thiết để thực hiện giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ là gì?
Các giấy tờ cần thiết bao gồm: hợp đồng mua bán, giấy phép đầu tư, giấy đăng ký khoản vay nước ngoài, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, tờ khai hải quan, và các chứng từ khác theo yêu cầu của ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam có vai trò gì trong quản lý thanh toán bằng ngoại tệ?
Câu trả lời: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành quy định, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định về thanh toán bằng ngoại tệ.
Những lưu ý nào cần thiết khi soạn thảo hợp đồng có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ?
Cần đảm bảo các điều khoản thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật, ghi rõ loại ngoại tệ, tỷ giá hối đoái, và các điều kiện thanh toán khác.
Làm sao để cập nhật những thay đổi mới nhất về quy định thanh toán bằng ngoại tệ?
Nên thường xuyên theo dõi các thông báo, thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan pháp luật liên quan. Hoặc nhờ sự tư vấn từ các đơn vị luật pháp.
Trường hợp nào nhà thầu được thanh toán bằng ngoại tệ?
Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo luật đấu thầu, hoặc những gói thầu theo luật dầu khí, thì nhà thầu được phép nhận thanh toán bằng ngoại tệ.
Những loại phí nào được cơ quan lãnh sự nước ngoài được thu bằng ngoại tệ?
Cơ quan lãnh sự nước ngoài được phép thu phí thị thực xuất nhập cảnh, hoặc các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Những tổ chức nào thì được báo giá, định giá dịch vụ bảo hiểm bằng ngoại tệ?
Các doanh nghiệp bảo hiểm được báo giá, định giá và ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài.
Đối với tổ chức làm đại lý cho hàng vận tải nước ngoài, thì việc thanh toán tiền cước phí được sử dụng đồng tiền gì?
Mặc dù tổ chức này được phép báo giá, định giá, và ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ, thì việc thanh toán cuối cùng phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Kết luận
Việc thực hiện thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ tại Việt Nam chỉ được chấp nhận trong những trường hợp cụ thể theo quy định. Doanh nghiệp và cá nhân cần nắm rõ khung pháp lý để tránh vi phạm dẫn đến hậu quả như hợp đồng bị vô hiệu hoặc bị xử phạt hành chính. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý về thanh toán bằng ngoại tệ, soạn thảo hợp đồng hoặc giải quyết tranh chấp liên quan, vui lòng liên hệ Luật Long Phan PMT qua hotline 1900636387 để được hỗ trợ.
Tags: Đồng Việt Nam, Giao dịch quốc tế, Luật ngoại hối Việt Nam, Ngoại hối, Thanh toán ngoại tệ
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.