Mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mới

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là sự thoả thuận giữa bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển về việc vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng hóa đến cảng trả hàng hóa. Trong nền kinh tế phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường biển ngày càng cao. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mới nhất.

Mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biểnMẫu hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là gì?

Điều 145 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định:

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.

Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

Nội dung cần có trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cần có các nội dung sau:

  • Chủ thể bao gồm bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển.
  • Nội dung hợp đồng
  • Đối tượng vận chuyển
  • Phương tiện vận chuyển
  • Hàng hóa để vận chuyển
  • Thời gian, địa điểm thực hiện
  • Điều kiện giá dịch vụ vận chuyển
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
  • Phương thức xử lý khi vi phạm
  • Giải quyết tranh chấp

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biểnVận chuyển hàng hóa bằng đường biển

Mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

Mẫu hợp đồng

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–***——–

…, ngày … tháng … năm …

HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Số: ……. /HĐVC-…

(V/v: Vận chuyển hàng hóa trong nước bằng đường biển theo chứng từ vận chuyển)

  • Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015 và các Nghị định hướng dẫn thi hành;
  • Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam hợp nhất năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành;
  • Căn cứ Luật Thương mại hợp nhất năm 2019 và các Nghị định hướng dẫn thi hành;
  • Căn cứ thỏa thuận giữa các bên.

Hôm nay, ngày … tháng … năm … tại trụ sở Công ty …, các bên gồm có:

BÊN A: CÔNG TY … (BÊN THUÊ VẬN CHUYỂN)

Địa chỉ          : …

Mã số thuế    : …

Đại diện        : Ông/bà …                                   Chức vụ        : …

Điện thoại     : …                                               Fax               : …

Tài khoản      : …

BÊN B: CÔNG TY … (BÊN VẬN CHUYỂN)

Địa chỉ          : …

Mã số thuế    : …

Đại diện        : Ông/bà …                                   Chức vụ        : …

Điện thoại     : …                                               Fax               : …

Tài khoản      : …

Sau khi bàn bạc, hai bên đã thỏa thuận và thống nhất ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển số …/HĐVC-… với nội dung như sau:

ĐIỀU 1. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG

Xét thấy Bên A có nhu cầu tìm đơn vị vận chuyển hàng hóa trong nước bằng đường biển, Bên B có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, Bên A đồng ý thuê Bên B và Bên B đồng ý nhận vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo chứng từ vận chuyển cho bên A.

ĐIỀU 2. ĐỐI TƯỢNG VẬN CHUYỂN:

Hàng hóa mà Bên A giao cho Bên B vận chuyển cụ thể bao gồm:

STTTên hàng hóaSố lượngTrọng lượngTính chất hàng hóaQuy cách đóng gói, bảo quản
1Dễ vỡ
2Đồ tươi sốngBảo quản lạnh
3Vật nuôi sốngThoáng khí

Trường hợp hàng hóa Bên A giao cho Bên B tại cảng đi không phù hợp với quy định trong hợp đồng, Bên B có quyền từ chối vận chuyển cho bên A. Bên A sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và phải cung cấp lại hàng hóa phù hợp với hợp đồng trong vòng … giờ, Bên B sẽ vận chuyển cho Bên A theo đúng thời gian vận chuyển trên biển được quy định trong hợp đồng, trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận mới và được ghi nhận bằng văn bản.

ĐIỀU 3. PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN:

Phương tiện vận chuyển của Bên B phải đạt các yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận như sau:

  • Loại tàu                   : ….
  • Tình trạng               : …
  • Tốc độ đạt               : …
  • Trọng tải (DWT)     : …

Trường hợp phương tiện vận chuyển không đạt yêu cầu theo thỏa thuận trong hợp đồng, Bên A có quyền từ chối giao hàng cho Bên B để vận chuyển. Bên B sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng, chịu các chi phí phát sinh như phí lưu kho, lưu bãi và bồi thường thiệt hại (nếu có). Bên B phải chuẩn bị tàu khác đạt tiêu chuẩn cho Bên A trong vòng … ngày và đảm bảo hàng hóa sẽ đến nơi theo đúng số ngày vận chuyển dự tính quy định trong hợp đồng. Nếu không đảm bảo được. Bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

ĐIỀU 4. THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

4.1. Thời gian thực hiện hợp đồng:

Bên A bàn giao hàng hóa cho Bên B tại cảng đi vào ngày …

Thời gian Bên B vận chuyển hàng hóa trên biển là trong vòng … đến … ngày. Bên B dự kiến cập cảng và bàn giao hàng hóa cho người nhận vào ngày …

Trường hợp Bên B giao hàng muộn cho Bên A từ … ngày trở lên. Bên B sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho Bên A (nếu có). Nếu Bên B giao hàng muộn cho Bên A từ … ngày trở lên, Bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

4.2. Địa điểm cảng đi và cảng đến:

Bên A bàn giao hàng hóa cho Bên B tại cảng đi là Cảng … Địa chỉ cảng đi: …

Bên B vận chuyển hàng hóa đến và giao cho người nhận tại cảng đến là Cảng … Địa chỉ cảng đến: …

4.3. Thực hiện hợp đồng:

Bên A vận chuyển hàng hóa ra cảng đi. Bên B sẽ bốc xếp hàng lên tàu và vận chuyển đến cảng đến. Tại cảng đến, Bên B dỡ3r hàng xuống cảng vào bàn giao lại cho người nhận do Bên A chỉ định.

Người nhận do Bên A chỉ định cần chuẩn bị bộ giấy tờ như sau để nhận hàng:

  • Bản gốc của hợp đồng này;
  • Biên lai xác nhận đã chuyển khoản theo giá trị của hợp đồng này;

Trường hợp người nhận do Bên A chỉ định không có đủ bộ giấy tờ, Bên B có quyền từ chối giao hàng cho đến khi người nhận của Bên A chuẩn bị đủ. Chi phí lưu kho, lưu bãi do Bên A có trách nhiệm chi trả.

Trường hợp người nhận do Bên A chỉ định không nhận hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, Bên A sẽ phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên B và chịu các chi phí phát sinh như phí lưu kho, lưu bãi. Nếu quá … ngày, Bên A không nhận hàng, Bên B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Giá trị hao hụt của hàng hóa tại cảng đến mà Bên B không phải bồi thường là không quá …% tổng giá trị hợp đồng. Trường hợp hàng hóa do Bên B bàn giao tại cảng đến không phù hợp với hợp đồng, giá trị hao hụt là hơn …%, Bên B sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có). Nếu giá trị hao hụt lớn hơn …% tổng giá trị hợp đồng, Bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

ĐIỀU 5. GIÁ TRỊ HỢP ĐỒNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN

5.1. Giá trị hợp đồng

Tổng giá trị của hợp đồng là … (… Việt Nam đồng). Giá dịch vụ đã bao gồm cả phí phụ thu như phí chứng từ, phí xếp dỡ,… và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Chi phí thanh toán cụ thể và chi tiết được quy định tại phụ lục hợp đồng này.

5.2. Tiến độ thực hiện:

Bên A sẽ thanh toán cho Bên B thành hai lần.

  • Đợt 1: Bên A thanh toán cho Bên B 30% tổng giá trị hợp đồng vào ngày ký kết hợp đồng. Tương đương với … VNĐ (… Việt Nam đồng)
  • Đợt 2: Bên A thanh toán nốt cho Bên B 70% tổng giá trị hợp đồng trong vòng … ngày kể từ ngày hàng hóa lên tàu vận chuyển của Bên B. Tương đương với … VNĐ (… Việt Nam đồng)

5.3. Phương thức thanh toán:

Bên A sẽ thanh toán cho Bên B bằng cách chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng theo thông tin như sau:

  • Tên tài khoản       :
  • Số tài khoản         :
  • Ngân hàng           :
  • Chi nhánh            :

5.4. Trường hợp thanh toán chậm:

Bên A phải thanh toán chi phí đúng thời hạn và đầy đủ cho Bên B. Thời hạn thanh toán chậm tối đa là … ngày kể từ ngày phải thanh toán theo quy định trong hợp đồng. Sau ngày thứ … chậm thanh toán, Bên A phải chịu phạt lãi chậm thanh toán theo mức lãi suất tăng 1%/ngày chậm thanh toán (nhưng không quá 8% giá trị hợp đồng) và bồi thường nếu có thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Bên A chậm thanh toán cho Bên B quá … ngày, Bên B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với Bên A. Bên A phải chịu phạt …% tổng giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có).

ĐIỀU 6. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

6.1. Quyền và nghĩa vụ của Bên A:

Quyền của Bên A:

  • Yêu cầu Bên B thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Kiểm tra, yêu cầu Bên B báo cáo tiến độ vận chuyển;
  • Có quyền áp dụng chế tài và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và của hợp đồng này;
  • Các quyền khác theo quy định pháp luật và trong hợp đồng này.

Nghĩa vụ của Bên A:

  • Thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho Bên B theo quy định hợp đồng;
  • Chuẩn bị đủ hàng hóa và cung cấp tài liệu, giấy tờ phục vụ quá trình vận chuyển;
  • Vận chuyển hàng đến cảng đi và bàn giao cho Bên B;
  • Chuẩn bị đầy đủ bộ giấy tờ để nhận hàng tại cảng đến;
  • Thông báo trước trong vòng … ngày về các vấn đề thay đổi, để bên B xem xét có thể thực hiện được không;
  • Trường hợp do lỗi trực tiếp của Bên A khiến việc Bên B giao nhận hàng hóa hoặc vận chuyển hàng hóa chậm so với tiến độ, Bên A phải chịu toàn bộ trách nhiệm về thiệt hại và chi phí phát sinh như phí lưu kho bãi, phí tàu,…
  • Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Bên B thực hiện tốt công việc;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

6.2. Quyền và nghĩa vụ của Bên B:

Quyền của Bên B:

  • Yêu cầu Bên A thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn giá trị hợp đồng;
  • Yêu cầu Bên A cung cấp hàng hóa, giấy tờ, tài liệu cần thiết phục vụ cho quá trình vận chuyển;
  • Có quyền áp dụng chế tài và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và của hợp đồng này;
  • Các quyền lợi khác theo quy định pháp luật.

Nghĩa vụ của Bên B:

  • Thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận và tiến độ trong hợp đồng;
  • Chịu trách nhiệm dỡ hàng xuống xe và bốc xếp lên tàu tại cảng đi; Chịu trách nhiệm dỡ hàng xuống bến tại cảng đến;
  • Cập nhật tiến độ công việc và thông báo ngay khi có điều kiện nếu có phát sinh cho Bên A. Trường hợp Bên B thông báo chậm gây ra thiệt hại cho Bên A, Bên B sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có);
  • Bảo mật thông tin dịch vụ;
  • Chịu trách nhiệm toàn bộ về hàng hóa kể từ khi hàng hóa được bốc lên tàu đến khi bàn giao cho người nhận tại cảng đến;
  • Chịu các chi phí trên quãng đường vận chuyển như chi phí cho tàu, chi phí ăn nghỉ cho người làm công trên tàu và các phí phụ thu khác;
  • Kê khai và thanh toán thuế, phí, lệ phí, hóa đơn liên quan đến việc vận chuyển;
  • Tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu có phát sinh khi vận chuyển hàng hóa;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

ĐIỀU 7. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG

7.1. Nếu một bên vi phạm bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng thì phải chịu mức phạt vi phạm theo thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận, mức phạt áp dụng cho mỗi hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm là …% tổng giá trị hợp đồng. Nếu có thiệt hại xảy ra, bên vi phạm hợp đồng phải đồng thời bồi thường thiệt hại và xử lý hậu quả phát sinh để thực hiện được hợp đồng một cách tốt nhất.

7.2. Giá trị bồi thường thiệt hại mà bên vi phạm phải bồi thường bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

7.3. Chi phí kiểm tra xác minh lỗi vi phạm và thiệt hại gây ra do bên có hành vi vi phạm có trách nhiệm chi trả.

ĐIỀU 8. THANH LÝ HỢP ĐỒNG.

8.1. Hợp đồng chấm dứt khi các bên hoàn thành quyền và nghĩa vụ với nhau và không có thỏa thuận khác.

8.2. Nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt hợp đồng, hợp đồng này sẽ chấm dứt kể từ thời điểm đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

8.3. Hợp đồng chấm dứt khi một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và hợp đồng này.

ĐIỀU 9. ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG

9.1. Các bên không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường …% tổng giá trị của hợp đồng này cho bên kia và bồi thường thiệt hại (nếu có), trừ trường hợp bên đơn phương chấm dứt hợp đồng chứng minh được bên kia có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng hoặc các trường hợp khác được quy định trong hợp đồng.

9.2. Các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và hợp đồng này. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải chứng minh được lỗi của bên kia. Chi phí kiểm tra xác minh lỗi vi phạm và thiệt hại gây ra do bên có hành vi vi phạm có trách nhiệm chi trả.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên vi phạm bị phạt …% giá trị hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Ngoài ra, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

9.3. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên còn lại trước trong vòng … ngày. Nếu thông báo chậm quá … ngày hoặc không thông báo sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại (nếu có).

ĐIỀU 10. BẢO MẬT THÔNG TIN

Hai bên không được tiết lộ cho bên thứ ba bất kỳ thông tin và tài liệu nào liên quan đến hợp đồng nguyên tắc này, các phụ lục kèm theo hợp đồng và liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng này, trừ trường hợp được sự chấp thuận bằng văn bản của bên kia hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi hợp đồng này chấm dứt hoặc xảy ra tranh chấp, điều khoản này vẫn sẽ còn hiệu lực pháp lý.

ĐIỀU 11. SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG

11.1. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng, hai bên sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng nếu chứng minh được sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm hợp đồng và toàn bộ thiệt hại xảy ra (nếu có thiệt hại).

11.2. Bên chịu ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải thông báo cho bên kia trong vòng tối đa … ngày kể từ khi sự kiện bất khả kháng tác động lên việc thực hiện hợp đồng. Nếu thông báo chậm quá … ngày hoặc không thông báo sẽ bị phạt …% tổng giá trị hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại (nếu có).

ĐIỀU 12. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Trường hợp thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Hợp đồng gồm 08 trang, được lập thành 02 bản, có giá trị pháp lý như nhau và mỗi bên giữ một bản.

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN ĐẠI B

Ký kết hợp đồngKý kết hợp đồng

Một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

  • Chủ thể trong hợp đồng bao gồm bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển. Khi ký kết hợp đồng, cần xác nhận các bên có đủ điều kiện cần thiết để trở thành chủ thể của hợp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
  • Về nội dung của hợp đồng: Bản chất của hợp đồng chính là sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên sự thỏa thuận này không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Hình thức của hợp đồng: hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển phải được thể hiện dưới dạng văn bản để tránh các rủi ro.
  • Khi tranh chấp xảy ra, hợp đồng vận chuyển là bằng chứng hữu hiệu nhất trình trước cơ quan có thẩm quyền, nhằm giải quyết tranh chấp đền bù tổn thất về hàng hóa. Vì vậy, các bên cần cẩn trọng và xem xét ký hợp đồng trước lúc ký kết để tránh những tranh chấp về sau.

Luật sư tư vấn về soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

  • Hướng dẫn, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
  • Phân tích các rủi ro trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa
  • Tư vấn hướng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra
  • Tư vấn các quy định pháp luật về hợp đồng vận chuyển hàng hoá
  • Giải đáp thắc mắc của khách hàng về các vấn đề pháp lý có liên quan

Khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, các bên cần phải có Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan về lĩnh vực hợp đồng quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư hợp đồng hỗ trợ.

Luật Long Phan PMT

Công Ty Long Phan PMT hướng đến trở thành một CÔNG TY LUẬT uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TƯ VẤN PHÁP LUẬT, cung cấp DỊCH VỤ LUẬT SƯ pháp lý. Luật Long Phan PMT hoạt động với phương châm ☞ "lấy chữ tín lên hàng đầu", "xem khách hàng như người thân", làm việc nhanh chóng, hiệu quả. Điều hành bởi Thạc sĩ – Luật sư Phan Mạnh Thăng nỗ lực không ngừng để trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của mọi cá nhân, tổ chức.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87